ASEAN và sứ mệnh khó khăn tại Myanmar

Giới quan sát nhận định, việc các nhà lãnh đạo ASEAN và nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing - nhất trí về 5 vấn đề, trong đó có chấm dứt bạo lực và tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, có thể giúp ngăn chặn bạo lực ở Myanmar.

Các bên hoan nghênh

Hãng tin Sputnik cho rằng, những cuộc hội đàm cá nhân của các nhà lãnh đạo hoặc đại diện 9 nước ASEAN với Thống tướng Min Aung Hlaing đã trở thành một trong những kết quả quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN hôm 24-4. ASEAN cho biết, các bên đã nhất trí về 5 vấn đề: chấm dứt bạo lực, tổ chức các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên tạo điều kiện thuận lợi tiến hành các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên đến Myanmar.

Thống tướng Min Aung Hlaing, người đã thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi tiếp quản chính quyền từ đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), được cho là đã tán thành những điểm này. Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) - chính quyền dân sự của phe đối lập - hoan nghênh thỏa thuận trên, khi gọi thỏa thuận là “tin tức đáng khích lệ”.

ASEAN và sứ mệnh khó khăn tại Myanmar ảnh 1 Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, lợi ích của người dân Myanmar phải được đặt lên hàng đầu

Chuyên gia người Nga Viktor Sumsky, chuyên nghiên cứu về ASEAN, cho rằng: “Sự đồng thuận ở đây không phải là một kế hoạch chi tiết nhằm ổn định tình hình ở Myanmar. Đúng hơn, đó là một thỏa thuận về các phương pháp tiếp cận cần được áp dụng ngay để bắt đầu một cuộc tìm kiếm nghiêm túc hơn cho một dàn xếp như vậy. Từ quan điểm này, hội nghị thượng đỉnh có thể được coi là hiệu quả với sự nhất trí từ Thống tướng Min Aung Hlaing. Chuyến thăm của đặc phái viên ASEAN tới Myanmar để khởi động đối thoại nội bộ Myanmar cũng đã được lên kế hoạch”.

Vai trò điều tiết của ASEAN

Theo chuyên gia Sumsky, cuộc xung đột ở Myanmar thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Nhiều bên đã tham gia đánh giá tình hình ở Myanmar và đề xuất các phương hướng giải quyết. ASEAN, với vai trò là tổ chức điều tiết trong việc giải quyết xung đột, ở mức độ nào đó bảo vệ Myanmar khỏi sự can thiệp vào công việc nội bộ từ các đối tác bên ngoài và tạo điều kiện cho nước này rảnh rang giải quyết tình huống khó khăn. 

Bất ổn ở Myanmar nguy hiểm đối với châu Á tương tự bất ổn ở Afghanistan. Cũng có những đánh giá cho rằng, Myanmar gần như là Syria của châu Á. Hiện đã có những lời kêu gọi từ các phần tử Hồi giáo cực đoan biến bang Rakhine, nơi sinh sống của người Rohingya, thành khu vực thánh chiến - nơi các loại phần tử cực đoan, đặc biệt là các chiến binh từ khu vực xung đột Syria, sẽ tham gia. Trong tình thế này, dư luận hết sức hoan nghênh việc ASEAN đảm nhận sứ mệnh gìn giữ hòa bình đầy khó khăn và quan tâm đến đối thoại với các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối, khi cho rằng thỏa thuận không đề cập đến việc quân đội cần phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà lãnh đạo NLD Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhân vật cấp cao khác hiện đang bị giam giữ. Về khía cạnh này, theo các nhà quan sát, đây có thể là kết quả của sự thỏa hiệp giữa ASEAN và Thống tướng Min Aung Hlaing trong việc xây dựng lộ trình.

Rõ ràng, cơ hội dàn xếp sẽ mất đi nếu ASEAN khăng khăng với những yêu cầu này. Rõ ràng, lập trường của ASEAN đã gặp được sự đồng thuận từ NUG. Có được sự đồng thuận giữa các bên ở Myanmar trong tiến trình khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á thực sự là khởi đầu quan trọng.

Tin cùng chuyên mục