ASEAN thu hút trái phiếu đầu tư “xanh”

Theo báo The Straits Times, mới đây, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB, trụ sở tại Singapore) đã phát hành trái phiếu phục vụ phát triển bền vững trị giá 1,5 tỷ USD. UOB sẽ sử dụng số tiền thu được để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các doanh nghiệp và dự án đủ điều kiện phát triển “xanh”, nhất là năng lượng tái tạo.

Nhiều tiềm năng

Đây là lần đầu tiên trái phiếu bền vững được phát hành ở Singapore và đã được hưởng ứng mạnh. Điều này cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư đối với loại hình đầu tư này là rất lớn.

Nhà máy điện Mặt trời tại Thái Lan được đầu tư từ trái phiếu xanh
Các trái phiếu trên là một phần của phong trào tài chính xanh hoặc bền vững mới nổi, trong đó hiệu quả của thị trường vốn được tận dụng để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ý tưởng cơ bản là nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến tài sản vừa mang lợi nhuận, vừa đảm bảo môi trường, tránh tác động tiêu cực đến xã hội. Điều này đang tạo ra nhu cầu đối với các công cụ tài chính, như trái phiếu, đặc biệt dành cho sự phát triển bền vững. Đầu tư vào năng lượng tái tạo thường được coi là đủ điều kiện phát triển xanh. Xét về chi tiết, các dự án thủy lợi, cơ sở hạ tầng giao thông, an ninh lương thực hoặc các chương trình việc làm còn phụ thuộc vào khâu thẩm định và quy định của khu vực hay toàn cầu để xác định có bền vững hay không.


Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh và bền vững ASEAN và Phân loại ASEAN về tài chính bền vững vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, các khuôn khổ này không có tính ràng buộc pháp lý và được thiết kế khá linh hoạt để phù hợp với các lợi ích, trình độ phát triển khác nhau của các quốc gia thành viên ASEAN. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tích cực thúc đẩy khái niệm này và đã giúp một số nước thành viên xây dựng khuôn khổ hoặc khởi động trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh hoặc bền vững được phát hành ở Singapore, Thái Lan và Indonesia để tài trợ cho nhiều loại dự án khác nhau, tất cả đều đủ điều kiện có thể coi là phát triển bền vững.

Cần minh bạch và hiệu quả

Tại Thái Lan, Công ty năng lượng B.Grimm đã phát hành 5 tỷ baht (khoảng 155 triệu USD) trái phiếu xanh được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho việc xây dựng gần 100MW điện Mặt trời. ADB đã đăng ký trái phiếu dự án và dự án đã hoàn thành, hiện đang phát điện. Đây là một phần trong nỗ lực quốc gia tương đối thành công của Thái Lan nhằm tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Với Indonesia, trái phiếu xanh được dùng để đầu tư rộng rãi hơn.

Kể từ năm 2018, Bộ Tài chính nước này đã phát hành tổng cộng tích lũy trái phiếu xanh sukuk (Hồi giáo) trị giá 3,24 tỷ USD. Theo báo cáo gần đây nhất, số tiền thu được trong năm 2019 và 2020 đã được các bộ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm năng lượng tái tạo, các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, an ninh lương thực và thủy lợi. Về cơ bản, tiền thu được từ các trái phiếu này đang được sử dụng để tài trợ cho nhiều dự án công trình công cộng và bị cấm đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch một cách rõ ràng. Theo các chuyên gia kinh tế, cho dù các nhà đầu tư tài trợ cho năng lượng Mặt trời, các kế hoạch duy trì việc làm hay cơ sở hạ tầng đường sắt đều tốt cho sự phát triển và phúc lợi kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh chỉ đạt mục tiêu tốt nhất khi những người tham gia đều có quyền truy cập vào cùng một thông tin và mọi người đều đồng thuận về ý nghĩa của thông tin đó. Theo giới chuyên gia, một khuôn khổ mạnh mẽ và phát triển hơn nhằm quản lý trái phiếu xanh và bền vững trong toàn ASEAN sẽ giúp cho thị trường của các công cụ tài chính này minh bạch, hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục