ASEAN công bố Báo cáo đầu tư năm 2022: Vốn đầu tư FDI tăng kỷ lục

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng 42%, lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức tăng kỷ lục và đảo ngược sự suy giảm hồi năm 2020 do đại dịch Covid-19. 

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN lần thứ 25 vừa công bố báo cáo đầu tư ASEAN (AIR) năm 2022, với tiêu đề “Phục hồi đại dịch và thuận lợi hóa đầu tư”. Báo cáo cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng 42%, lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức tăng kỷ lục và đảo ngược sự suy giảm hồi năm 2020 do đại dịch Covid-19. 

Báo cáo thường niên nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ trên đã cho thấy khả năng ứng phó và sức hấp dẫn của ASEAN, với tư cách là một điểm đến đầu tư lớn trên thế giới và là động lực tăng trưởng FDI. Các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã nỗ lực thuận lợi hóa đầu tư trong những năm qua, với việc thông qua Khung thuận lợi hóa đầu tư ASEAN (AIFF) vào năm 2021, phản ánh cam kết của ASEAN trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.

Cũng theo báo cáo, mặc dù AMS đã áp dụng hầu hết các biện pháp AIFF và các biện pháp thuận lợi hóa đầu tư ngày càng hiệu quả hơn, một số khoảng trống vẫn cần được lấp đầy. Theo kế hoạch, AIR 2022 sẽ được tiếp tục giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN vào tháng 11 tới.

Trong một diễn biến khác, nằm trong ASEAN, Thái Lan đang hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng, bao phủ các lĩnh vực vận tải đường bộ, đường không và đường biển tại khu vực Đông Nam Á. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob đưa ra tại cuộc họp Nhóm công tác trong lĩnh vực giao thông vận tải thuộc các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong các ngày 14 đến 16-9 tại thủ đô Bangkok. 

Theo báo Bangkok Post, để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần ở ASEAN, Thái Lan đã và đang thực hiện đồng loạt nhiều dự án, bao gồm Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), giai đoạn 3 cảng nước sâu Laem Chabang và mở rộng tuyến đường bộ nối sân bay hỗn hợp U-tapao ở tỉnh duyên hải Rayong ở miền Đông. Thái Lan cũng sẽ kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Âu.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Thái Lan cũng có kế hoạch sử dụng siêu dự án cầu đất liền phía Nam - nối biển Andaman và Vịnh Thái Lan qua các tỉnh Ranong và Chumphon - làm trung tâm trung chuyển. Một nghiên cứu khả thi đang được tiến hành và một đề xuất có thể được nội các đưa ra thảo luận trong năm nay. Việc xây dựng có thể bắt đầu vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục