ASEAN cần kiên định lập trường về Biển Đông

Ngày 10-11, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ hai của Brunei Pehin Halbi bin Haji Yussof. 
Bộ trưởng Phan Văn Giang tham dự lễ khai mạc Hội nghị ADMM Hẹp. Ảnh: QĐND
Bộ trưởng Phan Văn Giang tham dự lễ khai mạc Hội nghị ADMM Hẹp. Ảnh: QĐND

Tham dự có Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định vai trò của ADMM 15 năm qua trong việc tạo khuôn khổ đối thoại và tham vấn cấp bộ trưởng quốc phòng trong ASEAN về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh; qua đó góp phần tăng cường lòng tin, xây dựng nhận thức chung về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Cụ thể, kể từ hội nghị ADMM 2011 tại Indonesia, vấn đề Biển Đông được coi là một vấn đề chung của khu vực, là nội dung thường xuyên được thảo luận và đưa vào Tuyên bố chung của ADMM.

“Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của ADMM vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN những năm qua. Đặc biệt là việc duy trì an ninh, ổn định trong ASEAN, tăng cường lòng tin và chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực cả truyền thống và phi truyền thống”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, trong bối cảnh các nước lớn hình thành ngày càng nhiều cơ chế đa phương, chiến lược mới, ADMM đã và sẽ tiếp tục phải nỗ lực thể hiện vai trò, vị thế của mình, đảm bảo cân bằng lợi ích trong và ngoài khối, đáp ứng sự quan tâm của các đối tác trong và ngoài ADMM+, bảo đảm các nước ngoài ASEAN có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của khu vực. Khẳng định việc bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không là lợi ích của tất cả quốc gia trên thế giới, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thúc đẩy mạnh mẽ cam kết của các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm hoàn thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tin cùng chuyên mục