ASEAN cam kết hợp tác đa phương mạnh mẽ

Chiều 15-11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã chính thức bế mạc.

Số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, cho biết, vượt qua rào cản không gian, thời gian, lẫn hình thức tương tác, các nhà lãnh đạo đã có những ngày làm việc hiệu quả. Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch Covid-19; giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực, với người dân luôn ở vị trí trung tâm. Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua hơn 80 văn kiện - số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay trong một kỳ hội nghị cấp cao. 

ASEAN cam kết hợp tác đa phương mạnh mẽ ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế. Ảnh: QUANG PHÚC

“Tại hội nghị lần này, chúng ta đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng, tạo dựng động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế; nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho biết, hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN. 

Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, các lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước đã thông qua Bản Tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực. 

Đặc biệt, nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó dịch Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực… Bên cạnh đó, với phương châm không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước… 

“Với những hành trang phong phú của năm 2020 và của các năm trước đây, ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 - một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. 

Ngay sau đó, vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 đã được chuyển giao cho Brunei.

Dù ai thắng cử, nước Mỹ vẫn là bạn tốt của Việt Nam

Chủ trì cuộc họp báo quốc tế sau Hội nghị ASEAN Cấp cao 37, khi được đề nghị bình luận về việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020 - ảnh hưởng như thế nào đến đoàn kết, thống nhất ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có Đông Nam Á. ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng mong muốn các nước lớn có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới. “Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của ASEAN trong suốt năm qua, đặc biệt là Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập”, Chủ tịch ASEAN 2020 nói. 

Trả lời câu hỏi của đại diện Hãng tin Pháp AFP về nhận định xung quanh việc ông Joe Biden có thể trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tôn trọng quyết định của người dân Hoa Kỳ. Dù ai thắng cử, ông Biden hay ông Trump, thì nước Mỹ vẫn là người bạn tốt của Việt Nam, có mối quan hệ đối tác tốt đẹp trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”. 

Thủ tướng cho biết thêm, về hợp tác kinh tế, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, đồng thời là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với tổng vốn hơn 330 tỷ USD. Với sự phát triển không ngừng của thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên đã thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển lâu dài của quan hệ.

Ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã diễn ra vào cuối buổi sáng 15-11 với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 nước: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Trước đó, chủ trì Hội nghị Cấp cao trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi rất vui mừng rằng, sau 8 năm làm việc đầy khó khăn, đến hôm nay chúng ta kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP để có thể ký kết hiệp định nhân Hội nghị ASEAN lần thứ 37”.

Tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 nước tham gia; có quy mô 26.000 tỷ USD với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và gần 30% tổng GDP của thế giới, vượt xa các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xác định tầm quan trọng như vậy, nên các nước ASEAN đã cùng thảo luận, bàn bạc để đi đến ký kết RCEP. Đây không những là hiệp định thương mại ảnh hưởng trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu. 

Về việc Hiệp định RCEP đã được ký kết mà không có sự tham gia của Ấn Độ, Thủ tướng thông tin: “Ấn Độ là nước đầu tiên tham gia, nhưng sau đó đến nay Ấn Độ chưa ký kết để trở thành thành viên RCEP. Tuy vậy, các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN cũng đã nói rằng, các nước ASEAN luôn luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia, chào đón Ấn Độ trong thời gian đến và tạo mọi điều kiện để Ấn Độ tham gia một cách thuận lợi nếu Ấn Độ thấy rằng điều đó là cần thiết. Chúng tôi hoan nghênh Ấn Đô tham gia RCEP. Sau đây, các nước sẽ phê chuẩn trong nội bộ để Hiệp định RCEP có hiệu lực trong hệ thống 15 nước đã ký kết”.

Tin cùng chuyên mục