Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn

Thỏa thuận đạt được sau khi Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan được mời đến Moscow để tham dự cuộc đàm phán do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian.
Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại vòng đàm phán ở Moscow
Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại vòng đàm phán ở Moscow

Hãng tin Tass dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Armenia và Azerbaijan đã thỏa thuận một lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ 12 giờ trưa ngày 10-10 (giờ địa phương) nhằm trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong cuộc xung đột vừa qua. Thỏa thuận đạt được sau khi Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan được mời đến Moscow để tham dự cuộc đàm phán do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian.

Nguy cơ quốc tế hóa xung đột 

Cuộc đàm phán kéo dài trong 10 giờ giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Armenia và Azerbaijan cũng nhất trí khởi động đàm phán hướng tới giải quyết xung đột. Các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ do Nhóm Minsk - với Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch - làm trung gian. Trước đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan đã kêu gọi chấm dứt thù địch ở Nagorno - Karabakh để hai bên trao đổi tù binh và thi thể.

Khu vực Nagorno - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.


Theo giới quan sát, việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong thời điểm này là tín hiệu tích cực sau hơn 2 tuần xung đột nổ ra giữa hai bên. Diễn biến ở Nagorno - Karabakh cho thấy tính chất phức tạp của cuộc xung đột vì nếu không kịp thời ngăn chặn có thể làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện, kéo theo sự tham gia của nhiều bên như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO với tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, đã cam kết sẽ hỗ trợ đồng minh lâu năm Azerbaijan “trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán” nếu cần thiết. Vốn có quan hệ chặt chẽ với cả Armenia và Azerbaijan, Nga đã cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải các bên và đến nay đã có kết quả bước đầu. 

Trước đó, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm hòa giải đều không đạt tiến triển và xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột bị quốc tế hóa. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đặt điều kiện để chấm dứt giao tranh là Armenia phải rút quân hoàn toàn và thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan trong khi Armenia cho rằng nước láng giềng mới là bên phải từ bỏ sử dụng vũ lực trước.

Cần cơ chế giám sát mới

Tuy nhiên, trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Azerbaijan đã phóng một quả tên lửa về khu vực Nagorno - Karabakh. Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, lực lượng vũ trang Armenia đã tăng cường pháo kích vào những khu dân cư đông đúc ở các quận Geranboy, Terter, Agdam, Agjaberdi và Fizuli khiến Azerbaijan buộc phải có các biện pháp đáp trả. Diễn biến trên cho thấy, hướng giải quyết xung đột sắp tới vẫn còn tùy thuộc vào thiện chí của Armenia và Azerbaijan. Dư luận cho rằng các cuộc đàm phán sắp tới nên hướng tới sự hình thành một cơ chế mới với nhiệm vụ giám sát việc thực thi ngừng bắn và khởi động quá trình tìm kiếm quy chế pháp lý cuối cùng cho vùng Nagorno - Karabakh nhằm tránh bùng phát chiến sự một lần nữa.

Trong khi đó, lo ngại về tình trạng thương vong trong dân thường sau gần hai tuần giao tranh tại khu vực Nagorno - Karabakh, Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachelet, cũng hối thúc các bên xung đột tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ tính mạng và cơ sở hạ tầng của người dân. Văn phòng của Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền cho biết đã nhận được những báo cáo hiện chưa thể kiểm chứng về thông tin có khoảng 53 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ ngày 27-9 vừa qua. Theo Deutsche Welle, đã có 400 người thiệt mạng, phần lớn là binh sĩ, trong các cuộc giao tranh giữa hai bên và hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tin cùng chuyên mục