APEC không có Tuyên bố chung

Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 18-11 thảo luận tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea về các cách thức nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Lãnh đạo 21 nền kinh tế tại Hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea
Lãnh đạo 21 nền kinh tế tại Hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea

Nước chủ nhà sẽ đưa ra Tuyên bố chung

Theo Reuters, một quan chức Trung Quốc cho biết, các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương không thể đưa ra tuyên bố chung vào cuối hội nghị APEC vào ngày 18-11. Thay vào đó, nước chủ nhà Papua New Guinea sẽ đưa ra tuyên bố “chủ tịch”.

Theo Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato, căng thẳng giữa các nước thành viên đã gây khó khăn cho việc phác thảo một tuyên bố chung. Theo AP, trước đó, cảnh sát đã được triển khai để ngăn nhiều quan chức Trung Quốc có ý định vào Văn phòng Ngoại trưởng Rimbink Pato để gây tác động đến tuyên bố chung, do Mỹ và Trung Quốc đều muốn có ảnh hưởng trong tuyên bố này. Ngoại trưởng Papua New Guinea không gặp các quan chức Trung Quốc vì ông muốn bảo vệ sự công bằng với tư cách là nước chủ tịch APEC.

Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó một số quan chức Chính phủ Papua New Guinea đã phàn nàn về cách phái đoàn Trung Quốc hành xử trong chuyến tham dự APEC. Căng thẳng địa chính trị đã làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay với Mỹ, Australia và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích mạnh mẽ lẫn nhau về chính sách thương mại trong các bài phát biểu hôm 17-11. Phó Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch Mỹ phối hợp với Australia và Papua New Guinea triển khai trở lại căn cứ hải quân chung trên đảo Manus, được mô tả là nhằm “phản kháng” với chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Theo một dự thảo tuyên bố chủ tịch, các nền kinh tế thành viên hướng tới cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức cũng như các biện pháp cản trở thương mại. Cách thức phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng sẽ được bàn thảo tại hội nghị. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cũng tiếp tục thảo luận về việc thành lập Hiệp định Thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực chiếm 40% dân số thế giới, chiếm một nửa thương mại toàn cầu về số lượng và khoảng 60% về kinh tế thế giới. 

Hàn Quốc đề xuất thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số

Ngày 18-11, trong bài phát biểu tại Hội nghị APEC, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất thành lập một quỹ mới thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp nâng cao hợp tác khu vực và xây dựng năng lực cạnh tranh tại các nước đang phát triển.

Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định sự ủng hộ đối với tầm nhìn kinh tế kỹ thuật số của APEC, được thông qua hồi năm ngoái, để cải thiện công nghệ, dịch vụ và hợp tác. Trong khuôn khổ các nỗ lực này, ông Moon đề xuất thành lập Quỹ Đổi mới kỹ thuật số APEC, đóng vai trò “khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế ở mỗi nước và hỗ trợ nâng cao năng lực của các nước đang phát triển”.

Cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ các chính sách của nước này hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, giảm khoảng cách kỹ thuật số và bảo vệ người tiêu dùng trên internet.

                       Việt Nam và New Zealand tăng cường quan hệ

Trong khuôn khổ hội nghị APEC, ngày 18-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Raymond Peters. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí phối hợp tích cực triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 giữa hai nước. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị New Zealand tăng hạn ngạch công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động kỳ nghỉ hàng năm; cảm ơn Quốc hội New Zealand thông qua việc cấp ODA không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021. Bộ trưởng Ngoại giao Winston Raymond Peters hoan nghênh và đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thể hiện quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng; cho rằng CPTPP là cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai hiệp định.
 Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), APEC, Liên hiệp quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, ổn định, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. 

Tin cùng chuyên mục