Áp lực vô hình

Hôm thứ hai, thông tin nữ ca sĩ - diễn viên Hàn Quốc Sulli tự tử ở tuổi 25 gây chấn động giới showbiz châu Á. Một trong những nguyên nhân khiến cô gái trẻ chọn cách kết thúc tiêu cực chính là chứng trầm cảm, đến từ những áp lực mà một mình cô không thể thoát ra được. 

Không chỉ đối với những người nổi tiếng mà cả với những người bình thường, không phải ai cũng có thể vượt qua áp lực.

Với người trẻ Việt, có thể chia thành 3 giai đoạn đối phó với áp lực từ cuộc sống. Khi còn trên ghế nhà trường, áp lực đến từ gia đình, phụ huynh khi sức học không tốt, nhất là khi so sánh với “con nhà người ta”. Khi rời ghế nhà trường là áp lực việc làm - tại sao mình không xin được việc, còn bạn thì có thể, rồi sự phiền lòng của cha mẹ khi có đứa con thất nghiệp trong nhà.

Khi trưởng thành, ổn định thì áp lực cũng “cao sang” hơn khi không còn là cơm áo gạo tiền nữa, mà là sự cạnh tranh, áp lực nổi tiếng hơn thua với bạn bè, đồng nghiệp. Và quay cuồng trong những áp lực đó, có người đã buông xuôi.   

Nhiều người trẻ tâm sự rằng, họ phải khẳng định bản thân qua công việc, phải biết kiếm ra cơ hội cho chính mình. Người khác lại đối phó với áp lực từ gia đình như tiền bạc hay chuyện hôn nhân: “Tại sao con nhà chú A, bác B đã lập gia đình, còn con thì đến bao giờ? Bao giờ dòng họ mới có cháu trai để bế bồng?”… Chính những điều đó làm cuộc sống của họ ngày càng nặng nề.  

Nhiều chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, người trẻ gặp áp lực, thậm chí nặng nề đến mức trầm cảm là vì họ không có điểm tựa trong cuộc sống, từ gia đình cho đến bạn bè. Đem câu chuyện này ra bàn, có bạn trẻ không đồng tình: Ai cũng có mạng xã hội, có cả ngàn người bạn trên đó, từ Facebook, Zalo, Instagram… sao lại không có bạn để chia sẻ? Nhưng, bạn bè trên mạng nhiều khi chỉ để ủng hộ nhau qua nút yêu thích (like), đồng tình chia sẻ quan điểm (share)… có mấy ai đủ thân thiết để có thể chia sẻ được áp lực cuộc sống. Mạng ảo, người thật nhưng cũng có thể ảo, còn stress luôn là sự thật. Bởi vậy, nhiều bạn trẻ đến ăn cũng phải cầm điện thoại để chát chít, ngó ngang ngó dọc, nhưng lại không tìm được bạn để san sẻ áp lực.

Sẽ có rất nhiều lý do khiến người trẻ khó cân bằng cuộc sống và rơi vào trạng thái tiêu cực trong cảm xúc và mệt mỏi về thể chất. Nếu thực sự mệt mỏi và áp lực, hãy tách mình ra khỏi cuộc sống thường ngày, không Internet, không điện thoại để bản thân được nghỉ ngơi và thư giãn.

Tìm cách chia sẻ câu chuyện của chính mình với người tin tưởng, có thể là cha mẹ, bạn bè để có được những lời khuyên hữu ích. Hãy học cách chấp nhận những điều không thể thay đổi, đối diện với những rắc rối, những vấn đề tồn tại lâu ngày để tìm cách giải quyết chúng. 

Và hơn hết, hãy nhìn nhận vấn đề bằng thái độ tích cực và thay đổi cách nhìn về cuộc sống xung quanh; học hỏi những kỹ năng mới mẻ để tự tìm hạnh phúc cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục