Áp lực trong thi hành án dân sự, hành chính

Mặc dù đã làm được rất nhiều việc, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thi hành án (THA) dân sự và hành chính gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trong các vụ “đại án” kinh tế, tham nhũng, số tiền, tài sản phải THA rất lớn, rất phức tạp, là áp lực không hề nhỏ với cơ quan THA.

Tỷ lệ THA hành chính thấp

Theo báo cáo của Cục THA dân sự TPHCM, trong số các bản án hành chính phải thi hành, số đã thi hành xong chiếm tỷ lệ rất thấp. Ông Trần Đình Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 - Cục THA dân sự TPHCM, cho biết: Trong 58 bản án hành chính phải thi hành, có đến 52 trường hợp tranh chấp về đất đai, quyết định đền bù giải tỏa bị hủy. Để thi hành được quyết định của tòa, phải thương lượng với người dân để có giá phù hợp bởi quyết định cũ đã bị tòa tuyên hủy. Nhưng việc thỏa thuận với người dân như thế nào là không đơn giản. Ngoài ra, có 4 vụ việc mà các UBND không thống nhất với kết quả xét xử của tòa, hiện đang kiến nghị giám đốc thẩm. 

Theo ông Trần Đình Hoàng, cơ quan THA rất khó theo dõi xem bản án nào đã thi hành xong, vì theo Luật Tố tụng hành chính và nghị định hướng dẫn thì người phải THA phải thông báo kết quả cho cơ quan THA, nhưng hiện các ban ngành cũng như các UBND không thông báo, cơ quan THA phải gửi văn bản đề nghị cho biết kết quả.

Áp lực trong thi hành án dân sự, hành chính ảnh 1 “Vụ án Hứa Thị Phấn” khó thu được toàn bộ khoản tiền phải thi hành án (Ảnh: Các bị cáo trong vụ án)
Đặc biệt, ông Trần Đình Hoàng cũng nêu thực trạng hiện nay, một số địa phương thành lập ban chỉ đạo THA thì trưởng ban chỉ đạo là phó chủ tịch UBND, trong khi người phải THA là chủ tịch UBND nên không thể chỉ đạo được. Từ đó, ông cho rằng khi các quận huyện thành lập ban chỉ đạo thì chủ tịch UBND phải là trưởng ban.

Thu tiền THA khó khăn

Thời gian vừa qua nhiều vụ “đại án” được tuyên với số tiền phải THA rất lớn. Đây là một áp lực không nhỏ với cơ quan THA. Tại buổi giám sát mới đây tại Cục THA dân sự TPHCM, nêu vấn đề về thi hành án trọng điểm, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức hỏi vì sao từ đầu năm tới nay chỉ thi hành được 1 trong số 39 bản án?

Ông Trần Đình Hoàng giải thích: Án trọng điểm phần lớn liên quan đến ngân hàng. Trong quá trình thế chấp tài sản, ngân hàng không xác định thực trạng tài sản thế chấp. Có trường hợp thế chấp là đất nhưng khi THA thì lại có cả nhà, phải chờ tòa xem xét lại mới thi hành được. Bên cạnh đó, hiện số lượng án kinh tế tham nhũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Chỉ riêng trong 2 tháng vừa qua, cơ quan THA đã nhận thêm các bản án với số tiền phải thi hành lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn nằm trong các vụ Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh. “Đặc biệt, vụ Hứa Thị Phấn, tòa tuyên là 16.000 tỷ đồng nhưng chỉ có 16 tài sản, chắc chắn khả năng là thu không đủ. Cho nên tiền thu hồi từ án tham nhũng không cao được”, ông Trần Đình Hoàng nói. 

Ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục THA dân sự TPHCM, cho biết thêm thời gian gần đây, Cục THA dân sự TPHCM thụ lý các vụ “đại án” hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu đặc biệt lớn, tài sản phải THA ở nhiều địa phương khác nhau. Theo quy định thì phải thực hiện ủy thác tư pháp, nhưng trong thực tế thì phải xử lý xong tài sản ở TPHCM rồi mới ủy thác đi địa phương khác. Điều này vừa gây khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, vừa làm kéo dài thời gian THA.

Ngoài ra, theo ông Vũ Quốc Doanh, việc tống đạt cho đương sự là các bị cáo đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam Bộ Công an đòi hỏi chấp hành viên phải đi lại nhiều lần. Trong một số trường hợp, đương sự đang chấp hành hình phạt trong một vụ án nhưng lại đồng thời là bị cáo trong một vụ án khác, thì việc tiếp xúc thực hiện tống đạt rất khó khăn.

Một trong số các giải pháp được Cục THA dân sự TPHCM đưa ra để làm tốt công tác THA trong thời gian tới là kiên quyết xử lý nghiêm những chấp hành viên để hồ sơ tồn đọng nhiều mà không có lý do, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, hay suy thoái về đạo đức, lối sống.

Đồng tình với giải pháp này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh cũng cho rằng phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo với cán bộ, công chức, chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng cần khắc phục ngay tình trạng chấp hành viên chậm bàn giao tài sản bán đấu giá cho người mua và để tồn đọng nhiều vụ việc không có lý do.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, về THA dân sự thì tổng số thụ lý là hơn 79.000 việc, giảm gần 2.700 việc so với năm 2018. Trong số gần 54.700 việc có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong hơn 26.500 việc (đạt tỷ lệ 48,49% so với chỉ tiêu được giao, vượt tiến độ 11,99%). Còn về tiền, đến nay tỷ lệ giải quyết xong đã đạt hơn 5.400 tỷ đồng, vượt tiến độ 4,75%.

Tin cùng chuyên mục