Áp lực lạm phát tăng dần

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng qua tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng.

Tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng thêm 1%- 6%, tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gián tiếp bơm thanh khoản tiền VND ra ngoài thị trường thông qua hoạt động mua ngoại tệ giao ngay và kỳ hạn, với tổng giá trị ước tính hơn 75.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, hiện nay, áp lực lạm phát đang rất cao. Trong đó, lạm phát ở Mỹ tháng 11 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do sự nới rộng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và các nền kinh tế bắt đầu phục hồi, mở cửa trở lại. Do nguồn tiết kiệm lớn, nhu cầu tăng lên nhưng cung chưa kịp đáp ứng đã tạo ra sự khan hiếm tương đối và đẩy giá cả lên. Lạm phát cao còn do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy ở châu Á đóng cửa, cảng biển ách tắc và chi phí vận tải tăng mạnh… 

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định, khi nền kinh tế chưa phục hồi ổn định thì chính sách tiền tệ của các quốc gia, đặc biệt là của các quốc gia phát triển vẫn còn dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ giảm bớt bơm tiền qua mua trái phiếu và có thể tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng trước đây.

Ông Vũ Thành Tự Anh phân tích, về chính sách tài khóa, các nước mới nổi, đang phát triển đã hết dư địa chính sách và buộc phải thu hẹp gói tài khóa. Các nước phát triển vẫn tiếp tục các gói hỗ trợ, nhưng sang năm 2022 đều thu hẹp gói kích thích kinh tế.

Đây là lý do làm lạm phát giảm đi vì sức ép từ phía cầu không cao như năm 2020, 2021. “Chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát từ bây giờ cho đến hết quý 2-2022 và áp lực lạm phát sẽ trở lại bình thường từ giữa năm 2022 khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và các chuỗi cung ứng bắt đầu được nối lại”, ông Vũ Thành Tự Anh nói thêm.

Sức ép lạm phát lớn, đòi hỏi phải kiểm soát một cách thận trọng. Hiện nay, chúng ta đang ép lãi suất đi xuống nhưng đặt trong bối cảnh lạm phát thế giới đang tăng, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lạm phát nên lạm phát bên ngoài sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam và thường có độ trễ khoảng 1-2 tháng. Vì vậy, sức ép nâng lãi suất là hiện hữu, không thể giảm lãi suất.

Tin cùng chuyên mục