Áp lực lãi suất cho vay tăng cao

Trước áp lực giá nhiều loại hàng hóa tăng cao, không ít doanh nghiệp đã lo lắng lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao.

Thiết lập mặt bằng lãi suất mới

Trừ 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước, thời gian gần đây đã có thêm nhiều NHTM tham gia vào làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm để thu hút vốn. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, trong quý 1-2022, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng 0,7%-0,8% so với năm 2021.

Các nguyên nhân khiến ngân hàng tăng lãi suất đầu vào được lý giải là do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc và các ngân hàng phải tăng lãi suất để cạnh tranh hút vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán. Khảo sát thị trường cho thấy, hiện lãi suất tiền gửi tại các NHTM phổ biến ở mức 5%-6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất của không ít NHTM lên đến gần 8%/năm, tùy thuộc vào số tiền gửi và kỳ hạn gửi. Chưa hết, nhiều NHTM còn cho biết, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong quý 2 sẽ tăng nhẹ 0,03-0,06 điểm % và sẽ tăng khoảng dưới 2 điểm % cho cả năm 2022. 

Áp lực lãi suất cho vay tăng cao ảnh 1 Khách hàng được nhân viên ngân hàng tư vấn về lãi suất. Ảnh: PHAN LÊ

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho biết đang trông ngóng các cơ quan quản lý triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp băn khoăn, gói cấp bù 2% lãi suất chưa triển khai nhưng mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng nên sẽ khó cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay có lãi suất thấp như kỳ vọng để phục hồi sản xuất.

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tại TPHCM cho biết, dù chưa đến kỳ đáo hạn vào đầu tháng 5 tới, nhưng hiện ngân hàng - nơi doanh nghiệp vay vốn, đã thông báo sẽ tăng thêm 0,5 điểm % so với hiện tại.

“Việc này sẽ thực sự gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi hiện tất cả các chi phí như vận chuyển, kho bãi, giá vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng. Trong khi đó, kênh huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp khó sau các vụ lùm xùm về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trên thị trường thời gian qua”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ. 

Thông tin từ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TPHCM cũng cho thấy, mặc dù không ít NHTM đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ở mức 5%-6%/năm nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì không đủ điều kiện vay. 

Ổn định lãi suất cho sản xuất

Bất chấp thực tế trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, riêng lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo mặt bằng lãi suất huy động năm nay nhích lên, nhưng lãi suất cho vay sẽ không tăng đột ngột do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt cung tiền. Và khi kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế nhanh nên lãi suất vì vậy khó bị đẩy lên quá cao. 

Chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của NHNN, ít nhất trong 3-6 tháng tới. Theo vị này, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2-2022. Ngoài ra, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch nên mặt bằng lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn sẽ ở mức ổn định. 

Áp lực lãi suất cho vay tăng cao ảnh 2 Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn. Ảnh: PHAN LÊ

Trên thực tế, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm % trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tại TPHCM, các NHTM cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường trong năm nay. Cụ thể, giảm khoảng 1,6 điểm % so với năm trước, ở mức 5,9%-6,4%/năm cho vay ngắn hạn và 6,5%-10%/năm cho vay trung và dài hạn. 

Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, mặc dù lãi suất huy động có tăng so với năm 2021 nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng này vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2022. Việc duy trì lãi suất cho vay thấp không chỉ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, mà còn tiết giảm chi phí hoạt động thông qua việc tăng dịch vụ để hút dòng vốn rẻ khi tỷ lệ tiền gửi CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ngày càng tăng. Động thái này giúp ngân hàng duy trì lãi suất cho vay thấp.

“Sắp tới, khi Chính phủ triển khai gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tức sẽ có khoảng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất được tung ra, tương đương có  khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng vốn rẻ để giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch. Như vậy, doanh nghiệp không nên quá lo lắng về lãi suất cho vay sẽ tăng cao”, một lãnh đạo NHTM nhìn nhận.

Đánh giá sâu hơn, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng, trong bối cảnh áp lực lạm phát và giá nguyên vật liệu tăng cao, NHNN sẽ điều hành lãi suất ổn định. Bởi lẽ, nếu để lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp vốn đang còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nếu lãi suất cho vay tăng thì việc triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Ông NGUYỄN ĐỨC LONG, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (NHNN):

Thời gian qua, NHNN kiểm soát rất chặt các chỉ tiêu tiền tệ để đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát không chỉ năm nay, mà cả những năm tiếp theo. Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ bằng cách đưa ra nhiều giải pháp để nắn tín dụng chảy vào sản xuất - kinh doanh, hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Bên cạnh đó, NHNN cũng có nhiều giải pháp để ổn định thanh khoản thị trường, duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý…

Những yếu tố này đã góp phần kiểm soát lạm phát trong thời gian qua. Đó cũng là cơ sở để có thể giảm lãi suất hoặc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi. 

Tin cùng chuyên mục