Áp lực buộc các trường đại học nhanh chóng thay đổi

Những tiến bộ và tác động của công nghệ số đã mang đến nhiều áp lực buộc các trường đại học (ĐH) phải nhanh chóng thay đổi trong việc dạy - học, để đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. 

Nhu cầu bức bách

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phân tích: Có nhiều ngành nghề đang dần biến mất, những thợ sơn, thợ hàn và sắp tới là những thợ may, thợ xây, tất cả sẽ do robot thực hiện. Có những nghề mới xuất hiện như kỹ sư dữ liệu, shipper... Chúng ta liệu có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp mà bản thân nghề đó chưa tồn tại như cách mà chúng ta đang làm được không? Hay phải thay đổi? Phải dạy cho sinh viên khả năng thích nghi với nghề nghiệp mới, khả năng sáng tạo ra những nghề mới. Phải có một tâm thế mở, biến thách thức thành cơ hội, biến ý tưởng thành thực tiễn, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề.
Áp lực buộc các trường đại học nhanh chóng thay đổi ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng: Chúng ta đã phát biểu nhiều về CMCN 4.0, nhưng thực tế các trường chúng ta quá chậm vì sức ỳ của giáo dục ĐH Việt Nam lớn. Không chỉ vậy, tư duy của con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo còn trì trệ, không kịp thay đổi với thời đại. Các văn bản hiện hành của Bộ GD-ĐT rất lạc hậu. Ví dụ việc tính chỉ tiêu dựa vào đội ngũ giảng viên, theo diện tích văn phòng... không còn phù hợp nếu áp dụng theo cách thức sẻ chia nguồn lực hiện tại. Hiện nay người học có thể học từ trên lớp, trên internet, trên điện thoại di động, thì không cần phòng ốc.
Cải cách giáo dục ĐH cần có tư duy mới, bộ phải trở thành một cầu nối, tập trung nguồn lực để gắn kết chia sẻ nhau. “Chưa bao giờ nền tảng công nghệ lại thuận lợi để các trường hợp tác, chia sẻ nguồn lực cùng phát triển như hiện nay. Một thầy giáo dạy ở đây nhưng toàn thế giới có thể xem được bài giảng qua mạng”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhìn nhận.
Theo ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia kiểm định quốc tế của AUN (Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời, nó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Nền công nghiệp 4.0 thể hiện rõ qua internet vạn vật (loT), nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mang tính cá thể hóa.
Ông Johnson Ong Chee Bin đánh giá: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á quan tâm đến giáo dục 4.0. Điều này được minh chứng qua việc Chính phủ đã nhanh chóng triển khai chương trình quốc gia khởi nghiệp trong năm 2016. Tiếp đó, Bộ GD-ĐT xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% các trường ĐH triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”. 
Nhiều trường đã khởi động

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TPHCM, nhấn mạnh: “Mô hình giáo dục 4.0 là mô hình giáo dục phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại và tiên tiến, đồng thời sẽ tạo cú hích để đem đến sự thay đổi lớn đối với sự phát triển giáo dục ĐH của thành phố. Mục tiêu của TPHCM là sẽ có những trường ĐH danh tiếng trong khu vực và thế giới”.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng thông tin: Sau 5 năm cải cách toàn diện và triệt để, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đạt được nhiều kết quả như: tỷ lệ sinh viên có việc làm cao (60% chưa ra trường đã có việc làm), 100% chương trình được thiết kế lại, tăng cường các môn học chung và cập nhật hàng năm, trong đó 50% chương trình được nhập khẩu từ các trường ĐH tiên tiến, 12 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đặc biệt, số khóa học theo hình thức online tăng từ 17 khóa (năm học 2013-2014) lên thành 45.000 khóa trong học kỳ 1 năm 2017-2018, với 5 triệu lượt truy cập/học kỳ. Thời gian tới, trường sẽ mở nhóm ngành không ngành để có thể chuẩn bị đối phó với những thách thức về sự thay đổi nhanh chóng của cơ cấu ngành nghề  trong kỷ nguyên số.  

PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết: ĐH Quốc gia TPHCM đang xây dựng và phát triển chương trình của các ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ hướng đến giáo dục 4.0 trên nền CDIO hiện đại. Áp dụng phương pháp giảng dạy, học tập, đánh giá người học theo công nghệ số. Đồng thời tăng cường không gian học tập, phòng thực hành nghề nghiệp, phòng thí nghiệm ảo, xưởng thực tập ảo sử dụng công nghệ số, thư viện linh kiện hỗ trợ sinh viên thực hiện dự án, đề tài… Trong năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM triển khai thí điểm 6 ngành đào tạo trình độ ĐH theo giáo dục 4.0, đến năm 2020 sẽ có 30/102 ngành đào tạo trình độ ĐH triển khai theo mô hình giáo dục 4.0.

Nhìn từ thực tế, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng các trường phải chú trọng thay đổi 4 vấn đề. Thứ nhất, chương trình đào tạo phải đổi mới, phát triển một cách toàn diện và xuyên suốt, người học phải có kiến thức nền tảng cơ bản về khoa học xã hội, khoa học cơ bản và khoa học liên ngành bên cạnh việc đào tạo định hướng nghề nghiệp; khuyến khích sinh viên học nhiều hơn một chuyên ngành... Thứ hai, quyết liệt áp dụng các phương pháp, mô hình giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm. Thứ ba, phải có chính sách khen thưởng cho giảng viên có thành tích, kinh nghiệm giảng dạy tốt. Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị ĐH hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tự chủ về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo.

Tin cùng chuyên mục