Áp lực bệnh viện quá tải

Sau một thời gian khá vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần đây, nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội và TPHCM lại rơi vào tình trạng quá tải do người bệnh từ nhiều địa phương đổ lên tuyến trên. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, sức khỏe của nhân viên y tế. 
Người dân chờ mua thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân chờ mua thuốc tại Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiếp nhận 1.200-10.000 người bệnh/ngày

Tầm 4 giờ sáng 14-9, cổng BV Đại học Y dược TPHCM đã ken đặc người qua lại, các ghế ngồi chờ đều kín chỗ, đội ngũ bảo vệ làm việc hết công suất để điều phối, hướng dẫn xe thả khách khám bệnh để tránh kẹt xe. Bắt xe đò từ nhà lên TPHCM từ 1 giờ khuya, anh N.V.T. (55 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, anh đến BV gần 4 giờ. “Nghĩ là đi sớm vậy chắc ít người, ai ngờ. Đến lượt tôi khám chắc phải đầu giờ chiều. Giờ tôi chờ đến lượt khám chứ không dám bỏ đi đâu, lỡ qua số bốc lại còn đuối hơn”, anh T. chia sẻ. 

Khu khám chữa bệnh và nhiều khoa phòng của BV Chợ Rẫy cũng đông kín người bệnh từ sớm. Nhiều bệnh nhân cho biết phải đi từ 3-4 giờ sáng và tới BV phải chờ khá lâu mới được khám bệnh. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 10.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị. Từ quý 2-2022 tới giờ, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, các chuyên khoa đều tăng, có chuyên khoa tăng 5 lần, trong khi trang thiết bị, vật tư, thuốc men lại thiếu khiến BV chịu rất nhiều áp lực. 

Nhiều BV lớn của TPHCM như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Ung bướu, Tai mũi họng, Mắt, Lê Văn Thịnh, cũng ghi nhận bệnh nhân tới khám chữa bệnh tăng rất cao gần đây, với các bệnh chủ yếu như tim mạch, lão khoa, hô hấp, nhiễm, nhi, ung bướu. Nhiều đơn vị tiếp nhận 1.200-10.000 bệnh nhân/ngày, tăng hơn 30% so với trước. 

Cũng chịu áp lực rất lớn do lượng bệnh nhân quá đông là BV Bạch Mai, BV Việt-Đức, BV K (Hà Nội). Nhiều người cho biết phải mất cả buổi sáng, thậm chí cả ngày mới có thể xong các chỉ định lâm sàng. Còn để được phẫu thuật nếu không phải nguy cấp, có khi phải chờ 1-2 tuần. Ông Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc BV Việt-Đức, cho biết, khoảng 3 tháng nay, người bệnh tới khám tăng hơn 300% khiến BV quá tải trầm trọng. Nếu năm 2021, BV thực hiện được 29.000 ca phẫu thuật, thì từ đầu năm 2022 nay, BV thực hiện khoảng 40.000 ca. Do bệnh nhân rất đông nên y, bác sĩ của BV phải tăng giờ làm việc tới 15-16 giờ/ngày. 

Bác sĩ N.T.L., BV Chợ Rẫy, cho biết, mỗi ngày phải làm việc liên tục từ tờ mờ sáng đến khuya, thời gian ở BV còn nhiều hơn ở nhà. Nói lễ là thời gian nghỉ ngơi, nhưng đối với nhân viên y tế thì lễ tết cũng trực chiến tại BV, thậm chí còn làm việc nhiều hơn cả ngày thường. TS-BS Tăng Hà Nam Anh, BV Tâm Anh TPHCM, chia sẻ: “Với công việc áp lực vì liên quan tính mạng con người nếu cộng thêm sự quá tải công việc sẽ khiến y bác sĩ có thể mắc sai lầm. Bản thân làm việc quá tải lâu ngày khiến tôi có những giai đoạn mất ngủ và già đi rất nhanh. Đôi lúc nghe bệnh nhân đoán mình già hơn 10 tuổi cũng chạnh lòng. Đôi lúc chỉ ước ao được làm việc và nghỉ ngơi như đồng nghiệp nước ngoài”.

Cần nâng chất lượng tuyến dưới

Lý giải về nguyên nhân người bệnh tăng đột biến dẫn tới quá tải, lãnh đạo một số BV cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi người đổ dồn đi khám bệnh. Cùng với đó, do nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt vướng mắc về chuyên môn, trang thiết bị, nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến. Đáng lo, số lượng và chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế tuyến dưới còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Trạm y tế xã, phường chỉ thực hiện được 50-70% dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.

Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: THÀNH AN

Để giải quyết tình trạng quá tải ở BV tuyến trung ương, nhiều ý kiến  cho rằng, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý BV, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám chữa bệnh từ xa. Bộ Y tế cần đầu tư nâng cao năng lực cho y tế cơ sở để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; giảm trường hợp chuyển tuyến không cần thiết. Đồng thời đẩy mạnh phát triển mạng lưới BV vệ tinh, BV hạt nhân. 

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại ngành y tế cần tập trung xử lý như: giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế; tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc tại cơ sở y tế công lập; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; tình trạng quá tải ở BV...

Bà Đào Hồng Lan cho biết, trước mắt sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế. Song song đó, giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như: hoàn thiện thể chế, chính sách y tế, đổi mới tài chính y tế; phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến, bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám chữa bệnh.

Lãnh đạo bệnh viện viết tâm thư xin lỗi người bệnh

Mới đây TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, có thư xin lỗi đến những bệnh nhân và thân nhân bị ùn tắc khám bệnh trong những ngày vừa qua. Lời xin lỗi này được đăng công khai trên Fanpage của BV Chợ Rẫy và nhận được sự ghi nhận, chia sẻ của đông đảo người bệnh. Trước đó, trên facebook cá nhân, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cũng đã xin lỗi người dân đến khám bệnh tại BV những ngày gần đây. Dù đội ngũ nhân viên đã nỗ lực nhưng không thể không có sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh của viện - trường. Ông cũng đề nghị người bệnh gọi điện đến tổng đài đăng ký. 

Bệnh viện ngàn tỷ chưa được bàn giao thiết bị

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết, cơ sở 2 của BV được đầu tư xây dựng hơn 5.000 tỷ đồng với nhiều trang thiết bị hiện đại như máy xạ trị, MRI, PET-CT… đã được đưa vào hoạt động phục vụ bệnh nhân nhưng về mặt giấy tờ, BV chưa được bàn giao thành tài sản công. Do vậy, dù đã đi vào hoạt động 2 năm qua với kỳ vọng giảm tải cho cơ sở chính và điều kiện điều trị tốt hơn cho bệnh nhân ung thư nhưng hoạt động của BV còn nhiều khó khăn.

Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức vẫn “đắp chiếu”

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, cuối năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt - Đức ở Hà Nam, mức đầu tư mỗi BV 4.500 tỷ đồng. Hai dự án này được kỳ vọng giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của BV Việt - Đức và Bạch Mai ở Hà Nội. Nhưng nhiều năm qua, 2 cơ sở này chưa được đưa vào hoạt động và tiếp tục trễ hẹn đến năm thứ 5. 

Tin cùng chuyên mục