Áp dụng hóa đơn điện tử, người dân được lợi

TPHCM là một trong 6 tỉnh, thành được triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định mới, bắt đầu từ tháng 11-2021. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc ứng dụng HĐĐT có thể khiến DN khó khăn, tốn thêm nhiều chi phí. 

Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, về những lợi ích và khó khăn khi sử dụng HĐĐT.

Áp dụng hóa đơn điện tử, người dân được lợi ảnh 1 Ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM

Khó khăn trước mắt, lợi ích về sau

PV: Thưa ông, rất nhiều DN than rằng, tại thời điểm đầu tháng 11-2021, TP vừa gỡ bỏ phong tỏa vì dịch, rất nhiều nhân viên kế toán chưa đi làm lại nhưng đã nhận được thông báo chuyển đổi HĐĐT, liệu việc triển khai áp dụng HĐĐT trong giai đoạn này có gây khó khăn cho DN?

Ông Thái Minh Giao: theo Quyết định số 1832/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ tài Chính, TPHCM là 1 trong 6 địa phương thực hiện triển khai HĐĐT tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC từ tháng 11-2021. Đây là chủ trương điện tử hóa ngành tài chính, đáp ứng tiến trình thực hiện chính phủ điện tử. 

TPHCM có số lượng DN lớn nhất cả nước với trên 270.000 DN đang hoạt động và hơn 166.000 DN đang sử dụng hóa đơn. Trong khi đó, tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ phải áp dụng HĐĐT theo quy định mới kể từ ngày 1-7-2022, thời gian để người nộp thuế chuyển đổi chỉ hơn 6 tháng. Việc thực hiện chuyển đổi sớm sẽ giảm áp lực cho DN và cơ quan thuế trong việc thực hiện đúng thời hạn theo quy định.  

Để chia sẻ khó khăn với DN, Cục Thuế TPHCM đã kiến nghị các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT có chính sách miễn phí chuyển đổi và cấp bù số hóa đơn theo quy định cũ, miễn phí một số lượng cụ thể HĐĐT, miễn phí đối với trường hợp các DN đã hoạt động nhưng chưa đăng ký sử dụng hóa đơn; thực hiện chuyển đổi bằng hình thức trực tuyến…

Vậy tại sao nhiều DN đã thực hiện HĐĐT theo quy định trước đây, nay ngành thuế vẫn yêu cầu chuyển đổi?

Các DN đã sử dụng HĐĐT theo Thông tư 32/2011/TT-BTC trước đây sẽ chuyển đổi định dạng hóa đơn theo quy định chuẩn định dạng của cơ quan thuế để chuyển dữ liệu hóa đơn cho người mua và chuyển đến cơ quan thuế qua đơn vị trung gian. Cụ thể, HĐĐT trước đây là hóa đơn tự in trên máy tính, xuất file trên dữ liệu điện tử, thì nay quy định mới HĐĐT là hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế nhưng phải kết nối truyền dữ liệu đến cơ quan thuế. Do vậy, DN đã sử dụng HĐĐT trước đây vẫn phải định dạng chuẩn dữ liệu theo quy định mới.

Thực tế, thời gian qua ngành thuế có gặp khó khăn trong triển khai HĐĐT đến DN không, thưa ông?

Đầu tháng 12-2021, TPHCM chỉ có 22% DN sử dụng HĐĐT, chậm nhất so với 5 tỉnh, thành ở đợt đầu. Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu đến hết năm 2021, TPHCM phải hoàn thành tối thiểu 70% và phấn đấu 100% số lượng DN, tổ chức kinh tế; đến hết ngày 31-3-2022 hoàn thành tối thiếu 70% và phấn đấu 100% số lượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp sử dụng HĐĐT theo quy định mới. Thế nhưng, đến cuối năm 2021 TPHCM đã vượt chỉ tiêu, đạt gần 85%. 

Doanh nghiệp không còn rủi ro với hóa đơn giả

Tuy nhiên, các DN vẫn cho rằng họ còn nhiều hóa đơn giấy chưa sử dụng hết, nếu áp dụng HĐĐT ngay thì sẽ lãng phí, ông nói sao về điều này?

Sử dụng HĐĐT thì DN vẫn không tốn giấy, vì mọi hoạt động được định dạng dưới dạng file điện tử. Do vậy, sử dụng HĐĐT không làm phát sinh thêm giấy để nói là lãng phí giấy thay thế. Ngược lại, nếu sử dụng hóa đơn giấy thì DN tốn thêm chi phí in ấn, lưu trữ, bảo quản và chịu các rủi ro hư hỏng, thất lạc hóa đơn… Từ đó cho thấy, việc áp dụng HĐĐT sẽ tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc tra cứu hóa đơn, giúp cơ quan thuế thuận lợi trong việc rà soát thông tin khai nộp thuế, để có thể sớm phát hiện các trường hợp vi phạm về hóa đơn.

Ông có thể so sánh những tiện ích của HĐĐT theo quy định mới, so với HĐĐT trước đây như thế nào?

Có nhiều tiện ích của HĐĐT theo quy định mới.

Thứ nhất, HĐĐT được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng, khi bị tẩy xóa (thay đổi dữ liệu) thì hóa đơn sẽ không bảo đảm tính toàn vẹn của chữ ký số. Khi có tình trạng giả mạo thì cơ quan thuế dựa vào hệ thống công nghệ thông tin sẽ phát hiện được và xử lý ngay theo quy định.

Thứ hai, toàn bộ dữ liệu HĐĐT được tập trung tại Tổng cục Thuế để người mua hàng, bên thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể đối chiếu, kiểm tra đảm bảo tính hợp lệ, hợp pháp của hóa đơn.

Thứ ba, HĐĐT được lập gắn với thông tin số định danh của người nộp thuế, có tính an toàn bảo mật cao, có thể tra cứu xác thực và phòng chống nạn sử dụng hóa đơn giả. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của ngành thuế còn dùng để tra cứu giải quyết hồ sơ đăng ký nhà đất, hồ sơ đăng ký phương tiện giao thông, hoặc phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước… Và cuối cùng, ai cũng thấy là HĐĐT nhanh, gọn, tiện lợi và minh bạch, dễ kiểm soát, phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Được biết, hộ kinh doanh cá thể thường có quy mô nhỏ, họ ngại thêm khâu trung gian sẽ phải tốn phí, vậy làm sao để khuyến khích họ sử dụng HĐĐT, thưa ông?

Không phải tất cả hộ kinh doanh cá thể đều phải sử dụng HĐĐT. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định (hộ kinh doanh quy mô lớn hoặc hộ kinh doanh đang sử dụng hóa đơn quyển của cơ quan thuế), cơ quan thuế sẽ triển khai để đảm bảo áp dụng HĐĐT theo lộ trình trước ngày 1-7-2022. Đối với hộ khoán hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khác sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh thì cơ quan thuế sẽ cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, không qua khâu trung gian.

Tin cùng chuyên mục