“Áo vàng” vượt biên giới

Phong trào Áo vàng mang theo làn sóng biểu tình từ Pháp đã vượt biên giới, lan nhanh sang nhiều nước khác như Bỉ, Hà Lan, Italy… thậm chí lan sang cả Tunisia, Israel, Lebanon, Iraq…

Những người Áo vàng biểu tình ở London, Anh
Những người Áo vàng biểu tình ở London, Anh

Lan nhanh chóng mặt

Ngày 15-12, các nhà hoạt động ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong trang phục Áo vàng tương tự lực lượng tham gia biểu tình gần đây tại Pháp, đã tiến hành cuộc tuần hành trên cầu Westminster, khiến toàn bộ giao thông trên đoạn đường ách tắc. Người tham gia tuần hành trên cầu Westminster sau đó đã di chuyển về phía đường Whitehall, tập trung bên ngoài Phố Downing đòi gặp Thủ tướng Anh Theresa May.

Nhóm Đấu tranh vì công lý dường như có can dự vào cuộc tuần hành này bởi tài khoản Facebook của nhóm phát trực tuyến cuộc tuần hành này. Các trang mạng xã hội của nhóm này trong thời gian gần đây phát tán các tin tức, thể hiện ủng hộ lực lượng Áo vàng ở Pháp.

Phong trào biểu tình Áo vàng tại Bỉ xuất hiện ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie đã lan tới thủ đô Brussels để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao. Tại Hà Lan, những người Áo vàng xuống đường đòi giải quyết vấn đề chi phi sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Khoảng 70.000 người Italy cũng đã tập trung tại Turin phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là gây lãng phí ngân sách công.

Cùng lúc này, một phong trào phối hợp biểu tình trên quy mô toàn quốc, có tên gọi Áo đỏ - ảnh hưởng từ phong trào Áo vàng tại Pháp - đã tuyên bố chính thức xuất hiện tại Tunisia. Trong cuộc họp báo tại trụ sở của Liên minh Nhà báo Tunisia (SNJT), những người sáng lập phong trào tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ bắt đầu vào ngày 17-12 tới từ thành phố miền Tây Kassrine để phản đối tình trạng các mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến sức mua suy giảm.

Ông Riadh Jrad - một thành viên của Ban điều phối phong trào - cho biết các cuộc biểu tình theo kế hoạch sắp tới sẽ hoàn toàn tôn trọng các quy định của pháp luật và diễn ra trong hòa bình. Cơ quan chức năng Tunisia trước đó phát hiện và thu giữ hơn 48.000 chiếc áo đỏ và 2.000 áo vàng cất giấu trong một nhà kho ở thành phố Sfax, miền Đông nước này. Ở Israel, Lebanon, Iraq hay Nam Phi, các phong trào lấy cảm hứng từ Áo vàng của Pháp đã bắt đầu chuẩn bị cho những cuộc biểu tình đầu tiên.

Eurozone lo lắng

Nỗi lo về cuộc chiến thương mại toàn cầu và tình trạng trì trệ do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Pháp đã khiến tăng trưởng kinh doanh trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.

Theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp trong Eurozone của IHS Markit, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực Eurozone đã giảm từ 52,7 điểm trong tháng 11 xuống 51,3 điểm trong tháng 12. Chỉ số trên 50 điểm đồng nghĩa rằng kinh doanh vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, IHS Markit cho biết các dòng vốn kinh doanh mới đã gần như đình trệ, trong khi tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và sự lạc quan của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của IHR Markit Chris Williamson nhấn mạnh mặc dù tăng trưởng chậm lại đã được phản ánh qua sự gián đoạn đối với hoạt động kinh doanh và du lịch sau các cuộc biểu tình Áo vàng tại Pháp, song bức tranh toàn cảnh về sự suy yếu kinh tế đã ngày càng rõ rệt hơn, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chững lại trên toàn bộ khu vực Eurozone.

Trước đó, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone trong năm nay và năm tới. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng như những quan ngại về các thị trường mới nổi, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay và 1,8% trong năm 2019.

Tin cùng chuyên mục