Ảo tưởng về danh xưng

Sở TT-TT TPHCM vừa có quyết định xử phạt bà V.H.P. (MC Trác Thúy Miêu) 7,5 triệu đồng về việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong nhân dân về công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
MC Trác Thúy Miêu và bài đăng trên Facebook cá nhân bị xử phạt (Ảnh chụp màn hình FBNV)
MC Trác Thúy Miêu và bài đăng trên Facebook cá nhân bị xử phạt (Ảnh chụp màn hình FBNV)

Trong khi đó, những ngày qua, hình ảnh đẹp của nhiều nghệ sĩ sẵn sàng góp sức tại các điểm tặng quà, đi chợ giúp dân, hay trực tiếp tham gia làm tình nguyện tại các bếp ăn, khu cách ly, khiến công chúng cảm động. Cũng là nghệ sĩ, nhưng nhiều người có cách cống hiến cho đi nhiều hơn và nhận thêm những vất vả…

Theo cách hiểu rộng và phổ biến nhất, những người lao động, sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật đều có thể được gọi là nghệ sĩ. Danh xưng “nghệ sĩ” không chỉ đơn thuần là nghề nghiệp mà còn hàm chứa tình cảm, sự trân trọng của công chúng dành cho những người làm nghệ thuật đích thực. Bởi thế, danh xưng này luôn đi kèm áp lực đòi hỏi mỗi người khổ công rèn luyện, gìn giữ.

Trong giới nghệ thuật chuyên nghiệp, quan niệm thế nào là nghệ sĩ còn có phần khắt khe hơn. Hoạt động lâu trong nghề mà chưa thành danh thì cũng chưa là nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải được định danh bằng nền tảng văn hóa và vị thế, khả năng truyền tải, lan tỏa ngôn ngữ nghệ thuật và có chỗ đứng trong lòng công chúng. Chính bởi con đường sự nghiệp chông gai, khó khăn, khổ luyện như thế mà nghệ thuật nước nhà luôn tự hào với những giọng ca đi cùng năm tháng như NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu…, những gương điện ảnh gạo cội như NSND Trà Giang, NSND Thế Anh…

Song, có một thực tế đáng buồn là giờ đây, có người vừa tập cầm micro đứng trên sân khấu phòng trà, “tung” ra một vài MV ca nhạc rồi nghiễm nhiên coi mình là ca sĩ; làm MC dẫn vài chương trình đình đám đã tự cho mình đứng trên người khác để phán xét… Thêm nữa, với sự tiếp sức của mạng xã hội, của truyền thông, nhiều nhân vật bỗng chốc trở nên “đình đám” chỉ qua vài scandal tình cảm, livestream khoe của, bóc phốt, thậm chí có như trường hợp chàng nông dân bán ổi Lệ rơi - bị đẩy làm “sao”…

Việc tự dễ dãi, ảo tưởng với tài năng của bản thân có thể chỉ làm thui chột nỗ lực rèn nghề của cá nhân, song mối nguy hại sẽ tăng gấp nhiều khi một bộ phận truyền thông và công chúng tung hô, khoác cho họ những tấm áo quá rộng. Điều ấy làm cho nhận thức về nghệ thuật thay đổi và thực tế đã làm cho cái nhìn của về nghệ sĩ trở nên tiêu cực.

Có lẽ cũng bởi ảo tưởng về danh xưng mà nhiều người đã coi rẻ, bỏ qua những nguyên tắc, khuôn thước của người làm nghề, có những hành vi làm xấu đi danh xưng nghệ sĩ như phát ngôn tục tĩu, ứng xử vô văn hóa, quảng cáo sai sự thật… Cũng vì vàng thau lẫn lộn mà công chúng có cái nhìn sai lệch về người làm nghệ thuật. Bởi thế rất cần có những “bộ lọc” đủ mạnh để gạn đục, khơi trong, xử nghiêm tạo môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh thật sự.

Tin cùng chuyên mục