Ảo mà thật với… BIM

Tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai mạc sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020” (Ba Ria – Vung Tau Techconnect 2020). 
Hình ảnh khai mạc sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020”
Hình ảnh khai mạc sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020”

Đây là hoạt động nổi bật trong chuỗi hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học công nghệ phục vụ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tư vấn khảo sát thiết kế cảng – đường thủy và công trình biển, ngay trong Lễ khai mạc, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast) đã tạo điểm nhấn đặc biệt khi áp dụng công nghệ BIM, Scan-to-BIM, VR, AR, MR vào lĩnh vực xây dựng với màn trình diễn công nghệ hết sức độc đáo.

Nhiều khách tham dự cho biết, đây là lần đầu tiên họ được trải nghiệm công nghệ này

Tuy thuật ngữ “Mô hình thông tin công trình (Building Information Modelling – BIM)” không còn xa lạ, tuy nhiên các công nghệ kết hợp với nó như 3D Laser Scan, Scan-to-BIM hay thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp (MR) thì còn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Đến với chuỗi sự kiện này, Portcoast đem đến cho người xem sản phẩm các dự án áp dụng BIM triệt để với các công nghệ kết hợp đi cùng như BIM360, 3D Laser Scan, Scan-to-BIM, VR, AR, MR để tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho công trình.

Có thể hiểu, BIM là một hệ thống xây dựng thông tin công trình. Dựa vào hệ thống BIM ta có thể thiết lập, điều phối và quản lý toàn bộ thông tin liên quan đến công trình trong suốt vòng đời của dự án, từ bước lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì cho đến khi tháo dỡ công trình.

Khi áp dụng BIM vào quy trình làm việc, ta có thể có được nhiều lợi ích như: tăng mức tối ưu cho bản thiết kế; tăng độ chính xác trong dự toán chi phí; hạn chế sai sót trong thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì công trình; cải thiện về tiến độ dự án và tăng mức thông hiểu công trình.

Về cơ bản, các mô hình BIM cho các dự án được xây dựng trên nền tảng phần mềm Autodesk Revit, các bên cùng tham gia xây dựng mô hình trên môi trường làm việc chung (CDE – Common Data Environment) thông qua giải pháp BIM360. Ở đây, toàn bộ thông tin các bên tham gia dự án sẽ được trao đổi duy nhất trên môi trường BIM360, dựạ trên hệ thống Cloud mở rộng để cùng nhau chia sẻ công việc từ mọi nơi.

Tiêu biểu trong môi trường làm việc chung này là BIM360 Docs và BIM360 Design. BIM 360 Docs cho phép chia sẻ, xem, đánh dấu và quản lý bản vẽ, tài liệu, cũng như là mô hình của dự án ở bất kỳ đâu trên bất kỳ thiết bị nào. Hơn nữa, phần mềm còn cho phép ta tạo ra và ghi chú lại các lỗi xung đột để từ đó, có thể báo cáo và sửa lỗi hoặc làm rõ thông tin. Với BIM360 Design, toàn bộ công tác thiết kế và làm việc được thực hiện trên đám mây theo thời gian thực, lưu trữ các dữ liệu trên một mô hình.

Tiếp đó, các công nghệ VR, AR, MR được sử dụng để trực quan hóa công trình. Một trong những điểm đặc biệt của các mô hình BIM này đó chính là các dữ liệu khảo sát hiện trạng, qua các giai đoạn của dự án từ khảo sát điều kiện tự nhiên, các bước thi công, hoàn công được thực hiện bằng công nghệ 3D laser scan. Đây là phương pháp khảo sát hiện trạng công trình tiên tiến với độ chính xác cao. Khác với các phương pháp thông thường khi ta chỉ có thể xác định từng điểm tại một thời điểm, máy quét nhanh chóng chụp lại chi tiết toàn bộ bề mặt vật thể hay một khu vực, giống như một máy ảnh chụp 360 độ nhưng với vị trí chính xác cho từng mm.

Công nghệ quét laser áp dụng vào các công việc như: Khảo sát địa hình; Mô phỏng hiện trạng địa hình, khu đô thị, nhà máy, công trình hay hạng mục chi tiết công trình dưới dạng 3 chiều; Tính toán khối lượng; Quan trắc lún và biến dạng công trình; Phân tích mặt phẳng;… Kết quả cho được sẽ rất chi tiết, chính xác và đầy đủ, nhanh chóng, mà không cần phải đi hay đứng ở các khu vực nguy hiểm như các khối chất đống nguy hiểm, sườn dốc hay mặt đường đầy xe cộ…

Ứng dụng công nghệ này, đến với chuỗi chương trình, khách tham dự, những nhà quản lý cũng như các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng đã được chứng kiến Portcoast “thiết lập” Trung tâm Logistics Cái Mép hay cảng Hyosung sừng sững mọc lên giữa khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi tổ chức sự kiện.  

Không chỉ dừng lại ở đó, Portcoast còn mang đến cho khách tham dự sự kiện những trải nghiệm độc đáo, ấn tượng với công nghệ thực tế ảo được hỗ trợ bằng những chiếc kính thực tế ảo (HTC Vive Pro) cùng thiết bị KAT VR. Qua đó, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng khi được “tận mắt tham quan” toàn bộ công trình bến cảng Hyosung với những chi tiết, kết cấu đặc biệt mà không cần phải đến tận nơi bến cảng được xây dựng.

 Giới thiệu thêm về công nghệ này, ông Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm BIMLab thuộc đơn vị tư vấn Portcoast cho biết: “Trong thời đại 4.0 ngày nay, hầu hết tất cả doanh nghiệp đều hướng đến công nghệ và áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc. Chỉ cần điện thoại thông minh hay máy tính bảng là khách hàng, chủ đầu tư các dự án… có thể xem toàn bộ diễn tiến của dự án từ bước khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công, vận hành, bảo trì và tháo dỡ. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền, các nhà chuyên môn và các bên liên quan có thể cùng tham gia làm việc, ra quyết định và góp ý cho dự án. Portcoast đã số hóa hơn 12 công trình cảng biển lớn, với tổng diện tích lên đến hàng trăm héc-ta, trên sông Cái Mép – Thị Vải và tuyến đường liên cảng. Tại sự kiện này, khách tham quan có thể tận tay chạm vào từng cấu kiện của các công trình này”.

Chia sẻ về trải nghiệm này, nhiều khách tham dự cho biết, đây là lần đầu tiên họ được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, tưởng thật mà ảo, ảo… “Vẫn biết là đang đứng giữa trung tâm tổ chức sự kiện nhưng khi thăm công trình bến cảng Hyosung ngay trên sân Nhà thi đấu thể thao tỉnh, chúng tôi không thể không “giật bắn mình” khi bị “rớt” xuống sông Thị Vải. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được “bơi” dưới sông, được quan sát từng cây cọc cầu cảng, từng lớp địa chất nền móng công trình. Thật sự, rất ấn tượng!”.

Tin cùng chuyên mục