Áo cưới màu blouse trắng

Khi còn trẻ, người ta có nhiều mơ ước để kể cho nhau nghe và nhiều khát vọng để nỗ lực đến cùng trong hành trình thanh xuân. Họ cũng thế. Những câu chuyện rực rỡ và sôi nổi của năm tháng tuổi trẻ được kể lại sau những ngày nơi tuyến đầu chống dịch. Còn niềm vui riêng tư đành xếp sau. Và màu áo cưới với họ cũng thật ý nghĩa như màu áo blouse trắng mà các anh chị đã chọn để gắn bó.
Ảnh cưới của Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc và chồng là Thiếu úy, Điều dưỡng Hoàng Văn Huy chụp trong khuôn viên BV Quân y 175
Ảnh cưới của Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc và chồng là Thiếu úy, Điều dưỡng Hoàng Văn Huy chụp trong khuôn viên BV Quân y 175

1. Tiếng chuông điện thoại kéo dài, anh bắt máy với cơn ho cũng dài không kém… “Bạn trò chuyện với vợ tôi nhé, vì nói nhiều thì tôi lại ho, tôi vừa nhiễm bệnh vài ngày, hẹn bạn vào một dịp khác”, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng (Bệnh viện - BV Quân y 175) chỉ kịp nói vài câu. Một lời từ chối khiến chúng tôi chẳng thể trách được, niềm vui cận kề mà không biết anh có kịp khỏi bệnh để dự trọn vẹn hay không.

Kế hoạch đám cưới được anh chị chuẩn bị vào tháng 6-2021, vì dịch đành dời đến tháng 9-2021 nhưng mãi đến ngày 11-2 vừa rồi, anh chị mới kịp làm lễ cưới nhỏ, chụp bộ ảnh kỷ niệm. Anh làm việc ở BV, còn bà xã được phân công lên tuyến đầu làm nhiệm vụ tại khu ký túc xá Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM do BV Lê Văn Thịnh phụ trách trong những ngày dịch bệnh căng thẳng tại thành phố.

Ở lứa tuổi đẹp nhất để yêu, nhưng anh chị lại có những ngày… không có thời gian để nhớ nhau. Chị Lê Thị Linh (Dược sĩ Phòng khám đa khoa Nhân Đức 3, vợ anh Dũng) kể: “Tôi đi chống dịch từ ngày 27-7 đến khoảng cuối tháng 9 mới về, còn chồng thì vẫn tiếp tục công việc ở BV. Những ngày đó 2 đứa chỉ có thể nhắn tin cho nhau, muốn nghe giọng nói của nhau nhiều lúc không kịp gọi mà chỉ có thể gửi một tin nhắn thoại. Mặc đồ bảo hộ nên rất ít khi cầm điện thoại và một ngày lu bu với đủ thứ việc nên cũng không có nhiều thời gian để mà nhớ nhau”.

Nói vậy chứ, chị Linh cũng không khỏi những nỗi niềm của một cô dâu mới. Nhất là khi áo cưới đã đi xem, ngày thành hôn đã chọn nhưng đành phải gác lại. “Thật ra chúng tôi có kế hoạch cưới từ 2 năm trước, vì dịch rồi việc gia đình nên đợi đến năm 2021 coi như chắc chắn rồi, không ngờ dịch lại bùng phát nặng nề. Phải hoãn lại đám cưới, lúc đó trong lòng tôi hụt hẫng và lo lắng lắm, vì không biết bao giờ hết dịch để 2 đứa có một ngày vui về chung một nhà”, chị Linh chia sẻ.

Và dịch bệnh tiếp tục thử thách đôi vợ chồng trẻ. Khi TPHCM đi qua những ngày căng thẳng, gian nan chống dịch, anh Dũng chỉ kịp chụp hình cưới, tổ chức buổi lễ ấm cúng vào ngày 11-2 vừa qua với gia đình. Đúng ngày lễ tình nhân 14-2, anh lại phát hiện mình là F0. “Hiện tại, chồng tôi đang cách ly điều trị, hy vọng là kịp để dự lễ cưới tập thể sắp tới ở BV 175 cùng mọi người”, chị Linh cho hay.

2. Sát ngày cưới, dịch bùng phát trong cộng đồng ở TPHCM, hai bên gia đình tính đủ cách, tổ chức gọn nhẹ nhất có thể hoặc chỉ rước râu để lấy ngày, nhưng cũng không thành. Ngày 18-7-2021, anh chị chọn làm ngày chung đôi nhưng cũng đành chịu “ai ở đâu ở yên đấy”. “Đêm đó, chồng mình chụp hình vali hành lý kèm lời nhắn - anh đang chuẩn bị cho chuyến di cư lớn nhất cuộc đời”, điều dưỡng Khoa Cấp cứu Hà Thị Kim Phúc (BV Quân y 175) kể lại.

Trong những ngày dịch bùng phát ấy, BV Quân y 175 tách đôi công năng điều trị, Thiếu úy Hoàng Văn Huy (Điều dưỡng BV Quân y 175, chồng chị Kim Phúc) được điều động sang khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19. Chị Phúc chia sẻ: “Chồng tôi được điều động sang khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi vẫn làm ở khoa cấp cứu và ở lại BV. Nói chung là hai vợ chồng vẫn làm cùng một BV nhưng cũng chỉ có thể gặp nhau qua... tin nhắn điện thoại. Có hôm nhiều việc đến nỗi tin nhắn gửi từ sáng sớm nhưng gần nửa đêm thì người kia mới có thời gian trả lời, như yêu xa vậy đó”.

Chị Phúc tâm sự: “Là con gái mà, ai không mong ngày mặc áo cô dâu, từ chụp hình cưới, chọn áo cưới, tiệc cưới hai vợ chồng đều đã lên kế hoạch xong, nhưng tất cả đành hoãn vì dịch. Mọi người nói đầu xuôi đuôi lọt, nên lúc gác lại ngày cưới trong lòng tôi lo lắm. Những ngày chống dịch ở BV, lúc mệt mỏi cũng chỉ có đồng nghiệp, chồng thì trực chỉ ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19; có khi tôi gọi sang thì anh đang chuẩn bị để vào ca trực mới. Lắm lúc, mình cũng tủi thân, nhưng rồi nhìn lại công việc, bệnh nhân cần mình  nên cả hai lại động viên nhau cố gắng. Cả ba mẹ tôi và ba mẹ chồng đều làm trong ngành y, nên gia đình phía sau động viên hai đứa rất nhiều”.

Khó khăn cũng là thử thách để người ta nhận ra những giá trị, trân trọng và yêu thương nhau nhiều hơn. “Chồng tôi nằm trong danh sách dự bị đi Nam Sudan làm việc tại BV dã chiến cấp 2 số 3, thời điểm đó anh vẫn ở lại BV làm việc và chuẩn bị cho mọi thứ. Rồi dịch bùng phát thì được điều động qua điều trị bệnh nhân Covid-19, coi như là một chuyến đi, thử thách xa nhau của hai đứa. Và giờ không còn sợ nữa rồi, hai đứa cùng trưởng thành hơn, biết trân trọng và yêu thương nhau hơn”, chị Phúc hóm hỉnh.

Đi qua cuộc chiến chống dịch bệnh ở TPHCM, nơi tuyến đầu sẽ còn rất nhiều điều để kể và nhắc nhau về những ngày gian khó ấy. Trong đó, xin cảm ơn những người khoác áo blouse trắng ở tuổi thanh xuân đẹp nhất để yêu và cưới, nhưng họ đã chọn cách sống xa nhau trước những tình huống cấp bách, khi bệnh nhân cần. Chiếc áo cưới năm này, đâu chỉ kể những câu chuyện tình yêu. Với các anh chị, màu áo cưới dịp này, có lẽ cũng ý nghĩa và đẹp đẽ như màu áo blouse trắng…

Ngày 20-2 tới đây, BV Quân y 175 tổ chức chương trình “Mạch sống” với thông điệp: “Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải điểm đến”. Chương trình là lễ cưới tập thể của 18 cặp vợ chồng là y bác sĩ, nhân viên y tế của BV tham gia chống dịch vừa qua. 

Phụ trách phần trang phục áo dài trong chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Trên mỗi chiếc áo dài của cô dâu, chúng ta có thể thấy được hành trình của y bác sĩ cả nước, trong đó có BV Quân y 175 đã có mặt tại những điểm nóng nhất, xa nhất và nhiều rủi ro nhất, các BV dã chiến, cấp cứu bằng máy bay trực thăng hoặc thủy phi cơ đến Trường Sa và mang sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Cũng có thể xem đây như một sự kiện áo dài đặc biệt, mang ước nguyện về tương lai, về hạnh phúc”.

Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV Quân y 175 bày tỏ: “Các y bác sĩ đã gác lại những vui buồn, lo toan... kể cả câu chuyện hạnh phúc của chính mình để dấn thân vào tâm dịch. Sự dấn thân của họ đã làm lay động hàng triệu con tim và họ đã cùng nhau bước vào một cuộc sống mới, đúng nghĩa cuộc sống bình thường mới. Họ xứng đáng để nhận được hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn”.

Tin cùng chuyên mục