Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách giảm mạnh

Ngày 29-2, Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, kết hợp với tác động của dịch Covid-19, nhiều hoạt động của nền kinh tế bị giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-2 ước đạt 214,2 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-2 ước đạt 145 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 116,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11%. Đáng lưu ý là chi đầu tư phát triển 7,4 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 1,6%.   

Về thương mại, giá cả, vận tải và du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay. 

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá, trong đó có TPHCM tăng 9,6%.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2-2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng khách quốc tế đến nước ta lần lượt là: 17,5%; 33%; 29,7%; 8%.

Hệ quả là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó TPHCM giảm 5%; Khánh Hòa giảm 24,2%; Lâm Đồng giảm 10,2%; Hà Nội giảm 8,1%; Cần Thơ giảm 5,6%...

Dịch Covid-19 cũng đã tác động khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tin cùng chuyên mục