Ăn uống khoa học

An toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng đầy đủ để vui khỏe, tận hưởng kỳ nghỉ dài cùng gia đình là 2 vấn đề mà tất cả chúng ta luôn quan tâm, đặc biệt với người nội trợ trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Do thời gian nghỉ dài, nên phải lưu trữ lượng lớn thực phẩm các loại cho những ngày Tết. Những thực phẩm dùng trong ngày Tết đa phần rất giàu đạm, béo động vật, bột đường, các thức uống có cồn. Trong khi đó chúng ta lại ăn ít rau xanh và hoa quả. Đã vậy, thời gian nghỉ nhiều, thiếu vận động thể chất, sinh hoạt thường ngày bị thay đổi, là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề về sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng ăn uống trong dịp Tết. Để hạn chế những vấn đề về sức khỏe thường gặp về đường tiêu hóa, vấn đề tăng cân, bệnh mãn tính trở nặng trong và sau Tết, hãy cùng tham khảo những chia sẻ sau để chúng ta cùng đón Tết vui khỏe trọn vẹn.

1. Lựa chọn thực phẩm tươi sống an toàn từ những nơi uy tín, thực phẩm có thương hiệu nhãn mác ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng… không mua hàng hóa trôi nổi kém chất lượng.

Lưu trữ thực phẩm cần lưu ý tách thực phẩm chín, thực phẩm sống bằng hộp hay bao bì thực phẩm chuyên dùng; các loại quả, củ, thực phẩm khô có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng nơi thoáng mát nhằm tăng thời gian bảo quản thực phẩm, hạn chế nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm, phòng ngừa được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nên chọn cách chế biến đơn giản, hạn chế sử dụng nhiều dầu mỡ, sử dụng ngay sau khi chế biến, hạn chế những thực phẩm hâm đi hâm lại nhiều lần. Loại bỏ thực phẩm đã nấu chín để lâu bên ngoài, thực phẩm để qua đêm, thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nấm mốc.

Ăn uống khoa học ảnh 1


2. Cần có thực đơn cho những ngày Tết, từ đó bạn sẽ có kế hoạch mua sắm chuẩn bị thực phẩm bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cả nhà, hạn chế việc mua quá nhiều thực phẩm, đưa đến việc không bảo quản tốt, thực phẩm dư thừa, làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hơn nữa, việc có thực đơn và kế hoạch bạn sẽ lựa chọn được những thực phẩm tốt cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất cho cả nhà.

3. Đối với khẩu phần cho trẻ, cần lưu ý đến lượng tinh bột đường từ các loại bánh kẹo, mứt, nước ngọt đóng chai, các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp… Đối với người lớn tuổi, người bệnh mãn tính, cần lưu ý hạn chế lượng chất béo, đặc biệt là bão hòa từ các loại thực phẩm như thịt nhiều mỡ, da, giò thủ, lạp xưởng... Cũng cần chú ý hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối như các loại dưa món, củ kiệu, thịt muối... hạn chế các loại nước chấm.

Ngoài ra, việc ăn uống đúng giờ, không ăn quá nhiều, không bỏ bữa, không ăn nhiều một loại thực phẩm, hạn chế ăn vặt ngoài các bữa chính và phụ, giúp kiểm soát tốt năng lượng để cơ thể khỏe mạnh.

4. Khẩu phần cần cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất tinh bột đường (CHO), đạm (protein), chất béo (lipit), vitamin và khoáng chất. Gợi ý để có một khẩu phần cân đối - đầy đủ dưỡng chất: 1/4 khẩu phần là lượng tinh bột đường từ cơm, bún, phở, mì… 1/4 lượng đạm từ thịt cá, trứng, sữa, đậu. 1/4+1/4 còn lại là các loại rau lá xanh, củ, quả. Hạn chế lượng chất béo bão hòa từ mỡ động vật. 

Lưu ý uống đủ nước, trung bình từ 2,5-3 lít nước lọc/ngày (không tính lượng nước ngọt hay nước uống có cồn).

5. Cố gắng duy trì thói quen tốt trong sinh hoạt thường ngày trong những ngày Tết như ngủ sớm, dậy sớm hạn chế thức khuya dậy muộn. Duy trì vận động thể chất phù hợp trong thời gian nghỉ Tết.

Những gợi ý kết hợp tốt việc chuẩn bị, lựa chọn và bảo quản tốt thực phẩm, phù hợp với thói quen ăn uống thường ngày của gia đình, chúng ta hoàn toàn có thể thưởng thức một cái Tết cổ truyền an toàn, đầm ấm, vui khỏe.

Chúc các bạn cùng gia đình một năm mới đến nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tin cùng chuyên mục