Ấn tượng với "Kiều"

Hôm rồi, tôi cùng 2 người bạn có dịp thưởng thức đêm diễn Kiều do Viện Goethe tổ chức. 4 tiểu phẩm kịch về nàng Kiều đã diễn ra thật ấn tượng, cách dàn dựng mới lạ, đậm chất đương đại, giúp người xem cảm nhận thêm những góc nhìn mới về nàng Kiều, về thân phận người phụ nữ từ quá khứ đến nay. 

Trong đêm diễn, 4 đạo diễn đã trình làng những nàng Kiều đặc sắc. Đạo diễn Amélie Niermeyer với sự hỗ trợ của biên kịch Hoàng Trang đã mở ra một không gian tranh luận khá căng thẳng, nhiều ẩn ý về thân phận nàng Kiều, từ trong tác phẩm đến vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Món quà cuốn sách Truyện Kiều mà Tú tặng Quỳnh nhân ngày sinh nhật chính là chất xúc tác để những con người trẻ tuổi cùng đưa ra những quan điểm đa chiều về số phận nàng Kiều, thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong cuộc sống hôm nay.

Những luận điểm khác nhau của các vị khách đang ăn uống trong cùng một nhà hàng sang trọng chính là chìa khóa mở toang một cánh cửa, phơi bày mặt trái của một cuộc hôn nhân và một cuộc tình ngoài hôn thú. Cái kết đổ vỡ nhưng lại đậm chất nhân sinh: Quỳnh ly dị Tú, người chồng ngoại tình, để tìm lại không gian tự do và niềm hạnh phúc cho riêng mình; người tình của Tú cũng quyết định chia tay khi đã thấy rõ bộ mặt thật của tình nhân.

Bản dựng thứ 2 của NSƯT Trần Lực lại có một phong cách diễn khác lạ, dí dỏm. Anh nhấn mạnh quan điểm riêng: Phụ nữ mới chính là phái mạnh, còn cánh mày râu chỉ là phái yếu, mong manh và dễ vỡ! Câu chuyện về nàng Kiều của anh được dựng đan xen giữa chất hiện đại và tính truyền thống. Phía sau những câu thoại kịch đầy chất thơ, khán giả dễ liên tưởng đến thân phận nàng Kiều từ trong quá khứ và hình ảnh những cô gái chân dài thời đại mới, trước cuộc bủa vây của những “tú ông” chuyên môi giới. 

Trong khi đó, nàng Kiều của đạo diễn Bùi Như Lai lại chất nhiều ẩn ý, thể hiện qua cách thức so sánh về thân phận 2 nàng Kiều trên sân khấu, đó là nàng Kiều trong nguyên tác của Nguyễn Du và nàng Kiều đến từ xã hội hiện đại. Qua đó, nêu bật khát vọng sống tự do, nhu cầu hạnh phúc cơ bản và tính bình đẳng, bình quyền của của người phụ nữ, dù ở bất cứ thời đại nào. 

Bản dựng Ngẫm Kiều của đạo diễn NSND Hồng Vân mang sắc thái của sân khấu kịch TPHCM. Đây là nhịp cầu nối những tình tiết trong Truyện Kiều, từ thời điểm nàng Kiều về với Từ Hải, Kiều giải quyết đoạn ân tình với vợ chồng Thúc Sinh, Kiều quay quắt tâm can khi chuyện trò cùng với oan hồn của Đạm Tiên và Kiều khuyên Từ Hải quy hàng.

Đặc biệt hơn, ở phần kết, nữ đạo diễn mong muốn đời Kiều có một kết thúc có hậu, nên đã đặt ra một tình huống khác với nguyên bản: nàng Kiều ngăn ý định quy hàng của Từ Hải và Kiều sống hạnh phúc mãi mãi. 

Tuy rằng khác nhau về phong cách, cách thức dàn dựng, những điểm nhấn, nhưng tựu trung, 4 bản dựng đều cùng đặt ra một vấn đề rất lớn, đó là sự tự do, quyền bình đẳng của người phụ nữ trong đời sống xã hội hôm qua và hôm nay. Những gửi gắm giá trị ấy đã giúp các tác phẩm đọng lại trong lòng người xem với nhiều rung cảm.

Hầu hết các khán giả đều ở lại đến phút cuối chương trình, cùng giao lưu, đặt câu hỏi với ê kíp Kiều. Tôi và nhiều khán giả rất hy vọng, trong thời gian tới, tại TPHCM sẽ tiếp tục có những chương trình nghệ thuật đặc sắc và chất lượng như thế!

Tin cùng chuyên mục