Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022

Ngoài những "bữa tiệc" văn hóa - nghệ thuật từ các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, Tuần lễ Festival Huế 2022 còn tạo cơ hội để người dân và du khách khám phá giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc được thể hiện qua các bộ sưu tập tại các cuộc triển lãm.

Tại số 76 Hàn Thuyên (TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội tổ chức triển lãm với chủ đề “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất”.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 1
Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 2 Du khách tham quan triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất”.

Đây là lần đầu tiên triển lãm Hóa thạch được tổ chức tại Huế, đặc biệt hơn nữa triển lãm diễn ra trùng dịp Festival Huế 2022. Triển lãm lần này quy tụ bộ sưu tập đồ sộ các mẫu hóa thạch độc đáo và giá trị. Thông qua triển lãm sẽ mang đến cho du khách và những ai quan tâm đến lịch sử tự nhiên cũng như nguồn gốc sự sống trên trái đất có dịp chiêm ngưỡng những mẫu hóa thạch cách chúng ta hàng trăm triệu năm. Đồng thời, cung cấp cái nhìn cụ thể, sinh động về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hoá và diệt vong của những loài sinh vật từng có mặt trên hành tinh chúng ta. Triển lãm sẽ kéo dài từ nay cho đến hết ngày 31-10.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 3
Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 4 “Quê hương qua ống kính nhiếp ảnh"

Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương qua ống kính nhiếp ảnh". Triển lãm quy tụ 60 tác phẩm của 54 tác giả; trong đó Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh có 30 tác giả với 30 tác phẩm, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế có 24 tác giả với 30 tác phẩm.

Những khoảnh khắc tươi đẹp, cũng như những đổi thay trên quê hương Việt Nam được các nhiếp ảnh gia lưu giữ lại bằng sự sáng tạo nghệ thuật; qua đó, giới thiệu đến công chúng và du khách những khoảnh khắc chân thực về quá trình xây dựng, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lễ hội, địa điểm du lịch, làng nghề truyền thống và những ngành kinh tế mũi nhọn…  của các địa phương trên mọi miền đất nước. Triển lãm kéo dài đến 30-6.

20 bức tranh về Kiều được thực hiện bằng kỹ thuật pháp lam Huế vừa được triển lãm, giới thiệu đến người xem ở không gian An Định. Tranh được lấy từ nguyên gốc là tranh minh họa truyện Kiều của họa sỹ Mạnh Hưng vẽ trong sách “Truyện Thúy Kiều”, do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925. Mỗi bức tranh có 1 câu thơ của truyện Kiều, được các họa sỹ pháp lam giữ nguyên đường nét và bố cục của tranh gốc nhưng sáng tạo thêm màu sắc bằng kỹ thuật pháp lam.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 5
Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 6 20 bức tranh về Kiều được thực hiện bằng kỹ thuật pháp lam Huế

Với những gam màu vui nhộn và nét vẽ hài hước, 25 tác phẩm được chọn lọc của họa sĩ Dany sẽ được giới thiệu đến người xem thông qua Triển lãm “Cùng chia sẻ Di sản - Giới thiệu họa sĩ DANY”.

Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Festival Huế 2022, đây là hoạt động được phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức Festival Huế tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thành phố Huế (23-25 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh). Nghệ thuật truyện tranh là một điểm sáng trong di sản văn hóa của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Trong đó, họa sĩ Dany (tên thật là Daniel Henrotin) là một trong những họa sĩ truyện tranh người Bỉ nói tiếng Pháp nổi tiếng nhất.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 7
Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 8 “Cùng chia sẻ Di sản - Giới thiệu họa sĩ DANY”

Trong khuôn khổ tuần lễ Festival Huế 2022, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trưng bày triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn”. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Qua đó, giới thiệu đến công chúng hơn 120 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật đang lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng…; trong đó, có hơn 50 văn bản tài liệu Hán Nôm thuộc khối Châu bản triều Nguyễn.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 9
Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 10 Triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn”

“Sắc diện mới” là chủ đề triển lãm mỹ thuật do Hội Mỹ thuật phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế tổ chức tại phòng triển lãm Trường đại học Nghệ thuật. Triển lãm giới thiệu 53 tác phẩm của 47 tác giả. Đây là những tác phẩm được hội đồng nghệ thuật chọn lựa và ghi nhận đóng góp của từng tác giả trong tìm kiếm sự mới mẻ của ngôn ngữ tạo hình.

Mỗi tác phẩm là một thế giới biểu hiện, một hình thái của cảm xúc nội tâm về cuộc sống, đất nước, biểu lộ tình yêu với thiên nhiên, con người hay bộc bạch thân phận, chiêm nghiệm triết lý nhân sinh…

* Tháp Chăm Phú Diên được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) quyết định xác lập Kỷ lục thế giới đối với với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”. Lễ công bố và trao quyết định do Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp với chính quyền xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào tối 27-6.

Ấn tượng Tuần lễ Festival Huế 2022 ảnh 11
Đêm hội tháp Chăm Phú Diên

Tháp Chăm Phú Diên được phát hiện vào năm 2001 tại cồn cát ven biển xã Phú Diên do nhóm công nhân khai thác khoáng sản ti tan trong khi đang làm việc đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5m - 7m so với mặt đất. Sự việc được kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Bảo tàng Tổng hợp (nay là Bảo tàng Lịch sử) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này.

Tháp Chăm Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn như đã tiến hành trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định. Có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.

Tin cùng chuyên mục