An toàn trong xây dựng

Nhiều vụ tai nạn sập đổ công trình xây dựng đã xảy ra, thế nhưng vẫn chưa đủ thành lời cảnh báo khẩn cấp đối với các chủ đầu tư, chủ thầu. Tại một số công trình xây dựng vẫn tiếp diễn tình trạng thi công cẩu thả, giám sát lơ là. 

Tại TPHCM, trong khi nhà cao tầng được xây dựng nhiều, người dân rất lo ngại khi phải cư ngụ hay đi ngang qua sát các công trình. Dù có thanh tra, kiểm soát, nhưng không ít công trình xây dựng vẫn gây ô nhiễm bụi và làm lầy lội, hư hại đường sá. Nhiều công trình bị kéo dài thời gian do thiếu thợ thi công. Để giải quyết tình trạng này, chủ thầu tuyển dụng lao động tràn lan. Nhiều người chưa có tay nghề xây dựng được giao vác xi măng, xúc cát, trộn hồ… Phụ nữ lớn tuổi thì giao cắt kẽm, uốn sắt. Những người lao động nghiệp dư không được trang bị trang phục bảo hộ, chiếc nón hay đôi giày bảo hộ cũng là thứ xa xỉ. 

Công trình xây dựng nhà cao tầng đều phải phủ bạt vây quanh để cản bụi và vật liệu xây dựng rơi xuống gây ô nhiễm và tai nạn. Vậy mà, vẫn có nhiều vụ rơi gạch, đá, xi măng, sắt thép xuống nhà dân gần công trình. Để đỡ tốn công thợ, rút ngắn thời gian xây dựng khi xây nhà tầng, thầu xây dựng thường dùng mô tơ để kéo thùng bê tông đã trộn sẵn chuyển lên các tầng. Chuyện rơi thùng bê tông là chuyện thường xuyên ở các công trình xây dựng. Công trình xây dựng nào cũng có bảng niêm yết quy mô công trình, đơn vị thiết kế, tư vấn, giám sát, thi công, nhưng thực tế mọi việc tại công trình đều giao cho chủ thầu xây dựng, còn việc giám sát chỉ là “trên giấy”. Do thiết kế cẩu thả, thợ không chuyên môn, và giám sát thi công lơ là, nên đã có những công trình nhà ở bị sụp lún, nghiêng, và gây hư hại các nhà lân cận.

Mùa mưa bão đã tới, cần phải kiểm tra nghiêm ngặt hơn để chấn chỉnh, ngăn chặn tai nạn tại các công trình xây dựng.

Tin cùng chuyên mục