An toàn cho du khách

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận chưa chú ý đúng mức đến công tác cứu hộ, cứu nạn; một số doanh nghiệp du lịch, đơn vị tổ chức du lịch chưa đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn nên đã xảy ra nhiều trường hợp du khách bị tai nạn, chết đuối khi tắm ở các hồ bơi, bãi tắm ven biển. Tình hình trên đã tác động không tốt đến hình ảnh du lịch địa phương.

Chỉ tính riêng trong tháng 5-2022, tại các bãi tắm biển ở tỉnh Bình Thuận đã liên tiếp xảy ra việc du khách bị chết đuối thương tâm. Trong đó, vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào chiều 13-5, khi nhóm du khách 16 người đến từ TP Hà Nội  ghé tắm biển tại bãi tắm Đá Ông Địa, TP Phan Thiết (có mua vé sử dụng các dịch vụ tắm biển) thì xảy sự cố đuối nước khiến 4 du khách bị sóng cuốn, 2 người sau đó tử vong. Cũng trong tháng 5, tại khu vực bãi biển của huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra vụ đuối nước làm một du khách đến từ TPHCM tử vong. 

Các vụ đuối nước không chỉ xảy ra tại các bãi tắm ven biển, mà còn xảy ra tại hồ bơi của các cơ sở kinh doanh du lịch. Trong tháng 4-2022, sự việc một bé trai 11 tuổi người Nhật khi tắm hồ bơi tại một resort ở phường Mũi Né (TP Phan Thiết) bị đuối nước tử vong, cũng đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi du lịch, nghỉ dưỡng tại địa phương.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân để xảy ra các sự cố trên là do nguồn nhân lực, kinh phí để thực hiện việc theo dõi công tác cứu hộ, cứu đuối ở một số bãi tắm không đảm bảo; một số doanh nghiệp du lịch chủ quan chưa đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn kỹ thuật; phương tiện cứu hộ tại các bãi tắm chưa được quan tâm đầu tư…

Điều đáng nói, là một tỉnh có ngành du lịch biển rất phát triển, hàng năm thu hút rất đông lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhưng nhân sự để thực hiện việc theo dõi công tác cứu hộ, cứu đuối ở một số bãi tắm không đảm bảo là điều đáng báo động. Điển hình như tại bãi tắm biển công cộng Ngãnh Tam Tân (thị xã La Gi) không có ban quản lý khu du lịch mà giao cho cấp xã quản lý. Đặc biệt, tại Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, nơi có lượng du khách tập trung đông nhất khi đến Bình Thuận, lại không có nhân viên cứu hộ, cứu đuối. 

Để đảm bảo an toàn, cũng như tạo sự an tâm cho người dân và du khách đến Bình Thuận, ngành du lịch địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không đầu tư thiết bị, không triển khai công tác cứu nạn, cứu đuối. Đồng thời xây dựng các trạm cứu hộ, cứu nạn tại các điểm thường hay xảy ra tai nạn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ, cứu đuối trên biển, hồ bơi cho các khu du lịch.

Tin cùng chuyên mục