Ăn thử, kiếm tiền thật

Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều công việc online mang lại thu nhập đáng kể và thu hút nhiều người trẻ. Thử món ăn và giới thiệu những địa điểm ăn uống mới trở thành công việc “hot” trong giới trẻ hiện nay.

Nghề thu hút người trẻ

Trên nền tảng internet và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, những lượt thích, chia sẻ, theo dõi… đôi khi không phải vô dụng, mà chính là nguồn lợi, mang lại thu nhập đáng kể cho những người trẻ theo đuổi công việc của một blogger. Vài năm trở lại đây, food blogger hay food reviewer đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Food blogger hay food reviewer (tạm dịch: người viết nhật ký ẩm thực/ người giới thiệu món ăn) được hiểu là công việc ăn thử và giới thiệu những món ăn ngon, những địa điểm ăn uống mới lạ lên mạng xã hội. Thông qua lượt thích, theo dõi, bình luận, chia sẻ từ người dùng mạng xã hội, các food blogger được nhận lại một mức thù lao nhất định từ các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê hay các công ty thực phẩm.

Vừa kết thúc buổi livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) giới thiệu quán ăn (trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM) bạn trẻ Nguyễn Hoàng Long (25 tuổi, ngụ quận 3, food blogger sở hữu hơn 113.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội) chia sẻ: “Thu nhập mỗi tháng cũng tùy lúc, có lúc mình nhận nhiều hợp đồng từ các công ty, nhà hàng mức thu nhập có thể vài chục triệu đồng mỗi tháng. Tiền hoa hồng sẽ tăng theo lượt like và tương tác trên trang cá nhân, càng nhiều người theo dõi thì mình nhận thù lao nhiều hơn”.

Ăn thử, kiếm tiền thật ảnh 1 Công việc quen thuộc của các blogger ẩm thực, ăn thử và giới thiệu các địa điểm ăn uống mới lạ
Để xây dựng kênh vlog, trang cá nhân thật hấp dẫn, nhiều blogger thường chọn các chủ đề ăn uống riêng cho kênh của mình như thức ăn nhanh, ăn vặt đường phố, ẩm thực ba miền, hay những món kiểu Âu… như một cách để khẳng định sự khác biệt với những kênh ẩm thực khác.

Thường xuyên giới thiệu những quán thức ăn nhanh, Vũ Trung Ninh (25 tuổi, blogger ẩm thực với hơn 260.000 lượt theo dõi) cho biết: “Với công việc này, thù lao mình nhận lại khá nhanh, thường thì sau buổi livestream hoặc sau khi chia sẻ video, hình ảnh là các quán sẽ chi trả liền. Thu nhập tùy lượt tương tác trên trang cá nhân của mình, càng nhiều người xem thì các quán ăn, nhà hàng họ sẽ mời mình review nhiều”.

Đầu tư nghiêm túc

Trước khi thu được hoa hồng từ công việc giới thiệu ẩm thực, quán ăn, các blogger phải xây dựng được một trang cá nhân với đông đảo lượt theo dõi, tương tác từ người dùng mạng xã hội. “Để thu hút người xem, từ hình ảnh đến video rồi bài viết, phải rất chăm chút. Mình bỏ hẳn vài chục triệu đồng để đầu tư cho máy ảnh xịn. Nếu công ty yêu cầu review đặc biệt hơn, có lúc mình phải thuê người viết content (nội dung) bên ngoài để bài viết thực sự thu hút người xem”, Hoàng Long cho biết thêm.

Tự do về giờ giấc, không gian, thu nhập hấp dẫn… nhưng để có thể trở thành một blogger ẩm thực, đòi hỏi người làm phải biết nhiều kỹ năng. “Thu nhập đúng là có cao thật nhưng nó vẫn không đủ để chi trả thêm cho một ekip từ quay phim, chụp ảnh đến dựng phim, nên hầu như mọi việc mình phải tự làm để tiết kiệm. Mình học thêm các lớp bổ trợ từ quay phim, chụp ảnh đến dựng phim, tạo hiệu ứng để làm mỗi video thật trau chuốt, thì người xem mới không nhàm chán”, blogger Vân Trang (26 tuổi) cho biết.

Không dưới 3 lần đăng bài xin lỗi người xem, vì quán ăn sau khi được giới thiệu đột ngột tăng giá, nhiều khách hàng đến ăn và bình luận phàn nàn trên kênh của mình, blogger Thùy Linh (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình) kể lại: “Sau khi mình làm video giới thiệu thì giá nguyên liệu tăng lên, quán thay đổi giá, khách tới ăn phản ánh nhiều. Mình buộc phải đăng tin giải thích và xin lỗi, dù lỗi không phải từ phía mình, nhưng vì mọi tương tác chủ yếu là trên mạng xã hội, thường xuyên bị bình luận xấu sẽ ảnh hưởng đến uy tính và hình ảnh sau này”.

Không chỉ những tình huống trớ trêu từ phía các quán ăn, nhà hàng, nhiều food blogger còn đối mặt với những cạnh tranh không lành mạnh từ những người cùng làm nghề với nhau. “Một số hình ảnh, video mình đưa lên thường bị sao chép, sau này mình phải tìm cách ký tên hoặc chèn thêm các logo cá nhân vào hình và video. Chính điều này cũng khiến nhiều quán ăn, nhà hàng không thích, nhưng mình cũng không còn cách khác tốt hơn”, blogger Trung Ninh cho biết thêm.

Nhiều blogger ẩm thực khi xây dựng được kênh vlog, trang cá nhân với lượng người theo dõi và tương tác khá cao, đã bắt đầu hướng đến việc hướng dẫn nấu ăn một cách chuyên sâu và bài bản hơn. Họ cũng cho ra mắt nhiều sách về ẩm thực và tạo dựng một thương hiệu ăn uống riêng, bắt đầu kinh doanh những món ăn theo hình thức online lẫn trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục