An sinh cho người cao tuổi

Công an huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Võ Quốc Tuấn và vợ là bà Phạm Thị Loan ngụ tại địa phương, để xử lý hành vi đánh đập mẹ già. 
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thăm hỏi người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một bà cụ (đã 88 tuổi) bị con dâu hành hung. Con trai bà chứng kiến nhưng không can ngăn, lại còn cầm roi đánh mẹ. Nguyên nhân là do bà cụ lớn tuổi, đãng trí, nên việc sinh hoạt cá nhân không theo ý muốn của con trai và con dâu. Ngược đãi người cao tuổi không phải là vụ việc cá biệt của một gia đình, điều đáng buồn và đáng lo ngại là đã trở thành vấn nạn diễn ra ở nhiều địa phương. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nước ta có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, bằng 11,95% tổng dân số. Đa số người cao tuổi hiện nay là người lao động tự do, không có lương hưu, phải tự bươn chải với những công việc có thu nhập rất thấp (bán hàng rong, bán vé số, thu gom ve chai...). Kèm với tuổi già là nhiều bệnh và những khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Dù không muốn, họ cũng trở thành gánh nặng cho con cháu. Theo truyền thống bao đời của người Việt thì con cháu phải có bổn phận phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Nhưng nay đời sống xã hội đã thay đổi. Thực tế cho thấy, gia đình, cộng đồng không còn là chỗ dựa vững chắc nhất cho người già như xưa nữa. Giữa các thế hệ không tìm được tiếng nói chung, niềm tin chung, giá trị chung, văn hóa chung, dẫn đến thái độ ứng xử có khi lạnh nhạt, không quan tâm, nên những xung đột khó hòa giải.

Dù rất nỗ lực nhưng hệ thống an sinh xã hội chúng ta chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu cho một bộ phận người già sau khi họ đã trải qua một đời lao động, cống hiến. Những người già có lương hưu thì tạm đủ sống, nhưng cũng khó khăn ở thị thành. Hệ thống dịch vụ chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi ở nước ta còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Cả nước mới thành lập được 86 cơ sở chuyên chăm sóc người cao tuổi. Mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội của các tỉnh thành mới chăm sóc thường xuyên cho khoảng 20.000 người, bao gồm cả người cao tuổi và người khuyết tật. Hệ thống bệnh viện thuộc ngành y tế mới có hơn 70 đơn vị thành lập khoa lão... Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, di chuyển khó khăn nên họ cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng tốt hơn.

Không tính những hỗ trợ cấp bách trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, thời gian tới rất mong các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu nâng mức trợ cấp hàng tháng, đồng thời hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi. Ngoài ra, do số người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu ngày càng lớn nên Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi đạt chất lượng. Với quy mô dân số đông, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh, vì vậy, nước ta cần bổ sung những chính sách trợ giúp xã hội phù hợp đối với người cao tuổi. Quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách này cần sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội. 

Tin cùng chuyên mục