Ẩn họa từ mâu thuẫn trên mạng xã hội

Với sự phát triển của mạng xã hội, giới trẻ dễ dàng trao đổi, chia sẻ với nhau nhiều vấn đề. Tuy nhiên, không ít trường hợp chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội đã dẫn đến cãi vã, đe dọa nhau rồi sử dụng hung khí đâm, đánh nhau ngoài đời thực, thậm chí giết người, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Nhóm đối tượng tham gia hỗn chiến vì mâu thuẫn trên mạng xã hội ở quận Bình Tân, TPHCM
Nhóm đối tượng tham gia hỗn chiến vì mâu thuẫn trên mạng xã hội ở quận Bình Tân, TPHCM

Người chết, kẻ vướng tù tội 

Mới đây, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Thành Nhân (SN 2003), Lưu Tiến Đạt (SN 2004), Nguyễn Huỳnh Nhật Hào (SN 2004, cùng ngụ huyện Hóc Môn) cùng nhiều đối tượng khác để điều tra về tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Trước đó, ngày 16-3, N.T.D. (SN 2003, ngụ huyện Hóc Môn, là bạn gái của Nhân) dùng tài khoản mạng xã hội nhắn tin với N.K. (SN 1999) và P.K.D. (SN 1998, cùng ngụ huyện Hóc Môn). Sau đó, K. nói D. cho xem hình thì D. không cho. Lúc này, Nhân ngồi cạnh bạn gái nên lấy điện thoại nhắn lại cho K. với nội dung “Xem là xem sao vậy bạn”… Tối 17-3, Nhân đi ăn với D. thì K.D. gọi qua mạng xã hội cho D., yêu cầu Nhân gửi vị trí để gặp nói chuyện. Bực tức, Nhân rủ Đạt, Hào và một số người khác đi gặp K.D.

Rạng sáng 18-3, nhóm Nhân mang theo hung khí, đi xe gắn máy tới quán cà phê ở đường Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn thì gặp K.D. cùng 7 người khác đi trên xe máy, tay cầm mã tấu, cây chĩa… chạy hướng ngược chiều. Thấy nhóm K.D., nhóm của Nhân dừng xe, xông vào đuổi chém. Trong lúc đuổi đánh, Nhân bị ngã và bị 1 người trong nhóm K.D. cầm dao chém vào chân. Còn K.D. thì bị Hào, Đạt cầm dao đâm vào chân và vào người. K.D. được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Biết tin K.D. chết, những đối tượng tham gia đánh nhau bỏ trốn nhiều nơi. Cuối tháng 3-2022, các đối tượng lần lượt bị bắt giữ.

Trước đó, T.C.C. (SN 2004) và N.T.T.V. (SN 2005, ngụ quận Bình Tân) xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội và hẹn nhau ra đoạn đường nội bộ Khu Y tế kỹ thuật cao, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân để nói chuyện. Sau đó, C. và V. rủ thêm nhiều người tới điểm hẹn. Vừa gặp nhau, 2 nhóm cầm hung khí xông vào hỗn chiến. C. và một người trong nhóm bị chém trọng thương, phải nhập viện. Công an vào cuộc điều tra, lần lượt bắt giữ các đối tượng liên quan. Điều đáng nói, các đối tượng này có tuổi đời khá trẻ và đã bỏ học.

Giám sát con em mình chặt chẽ hơn

2 vụ án trên chỉ là những ví dụ gần đây nhất về việc giải quyết mâu thuẫn bắt nguồn từ mạng xã hội. Thực tế, không ít vụ việc thương tâm đã xảy ra, mà nguyên nhân bắt nguồn từ lời qua, tiếng lại trên không gian mạng. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, ngoài việc là kênh liên lạc hữu ích, mạng xã hội cũng là phương tiện cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật như: lừa đảo, đăng tin sai sự thật, buôn bán hàng giả, xúc phạm người khác, mâu thuẫn dẫn đến hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Thiếu tá Phạm Ngọc Dũng, Đội 7, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM, cho biết, quá trình điều tra các vụ án này, công an thu nhiều hung khí tự chế như: dao dài hàng mét được hàn mũi nhọn, cây 3 chĩa bằng inox, sắt thép tự chế… Chỉ cần đứng từ xa, đối tượng đã có thể dùng hung khí gây sát thương cho người khác.

Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM, thông tin, các vụ án liên quan đến mạng xã hội hầu hết do các đối tượng có độ tuổi khá trẻ, nhiều người dưới 18 tuổi và vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, thực hiện. Nhiều em đã nghỉ học, không có việc làm ổn định. Do còn trẻ, nhận thức chưa đầy đủ nên các đối tượng này rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng hung khí nguy hiểm tham gia đánh nhau và không nghĩ đến hậu quả. Thượng tá Trần Văn Hiếu chia sẻ, Công an TPHCM từng nhiều lần khuyến cáo tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí tự chế, vũ khí, công cụ hỗ trợ để giải quyết các mâu thuẫn. “Các gia đình cần quan tâm, giám sát con em mình chặt chẽ hơn để sớm phát hiện hành vi tiêu cực. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp để có các công cụ quản lý và giám sát nội dung thông tin đăng trên không gian mạng…”, Trưởng Phòng PC02, Công an TPHCM nhấn mạnh.

Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện kịp thời các hành vi rao bán, vận chuyển hay chế tạo các loại hung khí nguy hiểm. Ban Giám đốc Công an TPHCM cũng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an địa phương làm tốt công tác nắm tình hình trên không gian mạng để tuyên truyền pháp luật, ngăn ngừa hiểm họa từ mâu thuẫn trên mạng xã hội…

Tin cùng chuyên mục