An Giang tăng tốc phát triển toàn diện

An Giang - vùng đất đầu nguồn của 2 con sông Tiền và sông Hậu - là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. An Giang có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ, có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch cùng thương mại, dịch vụ. 

Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý, ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN THANH BÌNH (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về những thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh. 

An Giang tăng tốc phát triển toàn diện ảnh 1

PHÓNG VIÊN: - Năm 2019 An Giang đã có bước nhảy vọt trên nhiều mặt. Xin ông thông tin về những kết quả ấn tượng tỉnh đã đạt được?

Ông NGUYỄN THANH BÌNH: - Năm 2019, ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, làm ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Giá cả một số mặt hàng nông sản như lúa gạo, cá tra… không ổn định đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng như đời sống người dân.

Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, đã đưa kinh tế- xã hội của An Giang phát triển tích cực, hoàn thành và vượt 13/13 chỉ tiêu đề ra. 

Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,02% (cao hơn mức tăng 5,23% năm 2018); trong đó khu vực nông - lâm- thủy sản tăng 2,65% (cao hơn mức 1,83% năm 2018), công nghiệp - xây dựng tăng 9,4% (cao hơn mức 7,81% năm trước), khu vực dịch vụ tăng 8,9% (cao hơn mức 6,6% năm 2018).

An Giang tăng tốc phát triển toàn diện ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội (thứ 3 từ trái qua); ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng,Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (bìa trái); bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang (bìa phải); ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (thứ 4 từ trái qua); ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Việt (thứ 2 từ trái qua), cùng Đoàn công tác của Quốc hội và lãnh đạo tỉnh An Giang, thăm vùng nuôi cá tra công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định; diện tích trồng cây lâu năm tăng lên gần 18.000ha, tổng sản lượng các loại đạt hơn 241.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 183 triệu đồng/ha. Ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra từng bước nâng cao chất lượng (mở rộng diện tích nuôi tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…), đồng thời tăng cường chuỗi liên kết gắn người nuôi với doanh nghiệp nhằm thuận lợi trong tiêu thụ và nâng cao giá trị. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh thực hiện, với kết quả 61/119 xã đạt chuẩn, TP Long Xuyên và TP Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 216.593 tỷ đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 890 triệu USD tăng gần 6%...

An Giang tăng tốc phát triển toàn diện ảnh 3 Ông Nguyễn Thanh Bình (phải), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trao quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị mới cho ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group. Ảnh: NGÔ CHUẨN
- Cuối năm 2018, An Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư rất thành công. Từ sau hội nghị đến nay tình hình thu hút đầu tư ở tỉnh chuyển biến thế nào, thưa ông? 

- Tại hội nghị xúc tiến đầu tư này, tỉnh triển khai thực hiện 26 dự án, tổng vốn đăng ký 27.658 tỷ đồng đã trao quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay có 2 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 2.276 tỷ đồng; 9 dự án với tổng vốn đăng ký là 8.843 tỷ đồng đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ thủ tục đất đai, quy hoạch, xin phép và đang tiến hành xây dựng; 3 dự án với tổng vốn đăng ký 2.941 tỷ đồng hoàn thành tạo quỹ đất, đang làm thủ tục đất đai và xin phép xây dựng; 10 dự án với tổng vốn đăng ký 8.274 tỷ đồng đang thỏa thuận bồi hoàn để tạo quỹ đất và triển khai các thủ tục khác…

Tỉnh cũng khẩn trương triển khai 10 dự án đã ký ghi nhớ cam kết đầu tư tại hội nghị, với tổng số vốn dự kiến là 104.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào giữa tháng 12-2019, UBND tỉnh An Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị mới, cao cấp, hiện đại, đa chức năng… tại TP Long Xuyên cho Tập đoàn T&T, tổng vốn đăng ký đầu tư của 2 dự án khoảng 8.656 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2020.

Có thể nói, 2 dự án mà Tập đoàn T&T đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, đúng với định hướng phát triển và quy hoạch chung của địa phương và có ý nghĩa hết sức quan trọng (khu đô thị Bình Khánh, diện tích 132 ha, vốn đăng ký 4.746 tỷ đồng và khu đô thị mới Vàm Cống, diện tích 128 ha, vốn đăng ký đầu tư 3.910 tỷ đồng), phía Tập đoàn T&T cũng nghiên cứu quy hoạch, thực hiện các thủ tục đầu tư rất bài bản, tạo ấn tượng cho tỉnh…

Khu du lịch Núi Cấm - An Giang
- Là địa phương mạnh về du lịch ở ĐBSCL, năm qua ngành du lịch An Giang tiếp tục gặt hái những kết quả ấn tượng? 

- Trong năm qua, các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục được đầu tư, phát triển đa dạng nhiều loại hình dịch vụ; công tác quản lý ở các khu, điểm tham quan du lịch được cải thiện, từ đó thu hút được nhiều du khách đến với An Giang. Ước cả năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 9,2 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 8,24% so với 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 120.000 lượt, tăng 20% so với 2018. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 14,58%.

Để du lịch phát triển thành kinh tế mũi nhọn, An Giang sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng bảo vệ môi trường nhằm hướng tới bền vững; chủ động thực hiện liên kết vùng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tăng lượng khách du lịch; đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn chất lượng chung cả nước và từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. 

Trong giai đoạn 2016-2020, An Giang thực hiện phương châm "vừa thu hút, vừa giữ chân du khách" với tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 10%/năm, phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch đón 10,1 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày.

Giai đoạn 2021-2025, tập trung "giữ chân du khách" với tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025, với số ngày lưu trú bình quân 3 ngày… Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến…

 "Tôi rất ấn tượng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao do Tập đoàn Nam Việt đầu tư tại huyện Châu Phú. Toàn bộ quy trình được khép kín từ sản xuất con giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra tới hơn 100 nước trên thế giới, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn cũng như tập quán nuôi trồng", bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội

- Ông cho biết những định hướng phát triển của An Giang trong thời gian tới? 

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều mặt, đồng thời là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp. Với tầm quan trọng đó, tỉnh An Giang sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

An Giang chủ trương đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến. Thực hiện mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm...

 "An Giang có đồng bằng, núi, sông, rừng… là vùng đất giàu tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp. Trong đó, cá tra, lúa gạo và chăn nuôi bò là những sản phẩm nông nghiệp lợi thế, cần đầu tư sâu để bứt phá", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT 


Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm; thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành công nghiệp của tỉnh sẽ được cơ cấu lại, tập trung hỗ trợ công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững. 

Hiện An Giang đang chủ động khai thác mọi nguồn lực để phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Thực hiện các đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030; đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030…

- Xin cảm ơn ông.

Tin cùng chuyên mục