An Giang nâng chất dịch vụ du lịch

So với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang là nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh… thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch An Giang vẫn không giữ chân được du khách. 
Cần nâng chất dịch vụ để thu hút du khách đến với vùng sông nước An Giang Ảnh: Hữu Long
Cần nâng chất dịch vụ để thu hút du khách đến với vùng sông nước An Giang Ảnh: Hữu Long
Do vậy, tỉnh An Giang vừa tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tuyến du lịch An Giang 2017” để tìm giải pháp giúp ngành du lịch tỉnh nhà phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
“Công chúa ngủ trong rừng”
Đó là ví von của ông Guillaume, đại diện Tổ chức Chuyên gia tư vấn cao cấp Hà Lan (P.U.M) tại buổi tọa đàm. Có nghĩa tiềm năng của An Giang trù phú nhưng chưa được khai thác, đánh thức để hấp dẫn du khách. Không chỉ nổi tiếng với các địa danh về hệ sinh thái, địa danh kháng chiến, mà còn nổi bật nhất về văn hóa tâm linh. Cụ thể, trong năm 2016, tỉnh An Giang đón hơn 6 triệu lượt khách nội địa và quốc tế đến tham quan thì riêng vùng núi Sam - miếu Bà Chúa Xứ đã thu hút đến 4 triệu lượt khách, chiếm 2/3 tổng số khách du lịch đến tỉnh. Điều đó cho thấy, dù An Giang có thế mạnh ở các loại hình du lịch, nhưng phần lớn chỉ thu hút du lịch tâm linh đến với vùng núi Sam. Nhưng điều đáng nói là dù có thu hút lượng khách đông nhưng An Giang vẫn không giữ chân được du khách. Do vậy, câu hỏi được nhiều đại biểu tham gia buổi tọa đàm quan tâm là liệu ngành du lịch địa phương có còn khả năng tiến triển hơn được nữa không, khi mà An Giang không chú ý khai thác các lợi thế khác của mình?
“Khi đến vùng núi Cấm - Châu Đốc, với nhiều cảnh đẹp nên thơ nhưng khi vào gần khu trung tâm mới thấy rõ còn quá nhiều “lỗi”, từ khâu bày trí cảnh vật đến khâu quy hoạch các điểm buôn bán nhỏ lẻ của người dân. Các  điểm du lịch khác như chùa Vạn Linh (Phật bốn tay), Khu di chỉ Óc Eo… còn quá đơn điệu, không gây ấn tượng cho du khách”, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel, nói. Nhiều ý kiến khác cho rằng, An Giang cần phải mở rộng liên kết khi khai thác du lịch. Trước hết phải đầu tư hạ tầng hoàn thiện, thuận tiện cho du khách rút ngắn khoảng cách khi đáp từ sân bay Cần Thơ đến An Giang. Thứ hai, về chất lượng dịch vụ, “đã là ngành dịch vụ, cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà, nhận xét. Ông Lộc dẫn chứng cụ thể, phải liên kết với hộ dân tại các điểm du lịch đầu tư hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ và chủ động xây nhiều nhà vệ sinh công cộng để phục vụ du khách.  Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng góp ý về những bất cập như chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao và trùng lắp, gây cảm giác nhàm chán cho du khách; chưa quy hoạch những điểm buôn bán sạch sẽ, trật tự để không mang tính tự phát, thiếu nguồn nhân lực…
Chuỗi sự kiện trong tháng 5
So sánh các tỉnh lân cận An Giang cho thấy, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… khai thác khá tốt về các điểm du lịch sinh thái, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Do vậy, có thể nói, điều tiên quyết du khách quan tâm khi đặt chân đến nơi nào thì vấn đề chất lượng sản phẩm du lịch nơi đó rất quan trọng với họ. Chẳng hạn như cảnh quan có đẹp không, dịch vụ du lịch tốt không, an toàn không… rồi mới quan tâm đến giá cả. Và việc đánh giá chất lượng dịch vụ sẽ thể hiện qua việc, du khách chọn tour càng dài hạn càng chứng minh được ngành du lịch tỉnh đó phát triển rất tốt, điều đó đồng nghĩa với việc du khách cũng sẽ chi trả nhiều hơn. 
Trong khi đó, An Giang có nhiều điểm du lịch đẹp, hoang dã như rừng tràm Trà Sư, Khu di tích Lịch sử Tức Dụp và cả những lễ hội dân gian đặc thù như lễ hội đua bò Bảy Núi, chọi gà tre nghệ thuật và các làng nghề truyền thống như làng nghề vải lụa tơ tằm Lãnh Mỹ A - Tân Châu… nhưng vẫn chưa giữ chân được du khách lâu hơn. Ngoài ra, An Giang có đến 82 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 52 di tích cấp tỉnh) cũng là thế mạnh của ngành du lịch. Do vậy, việc đầu tư, phát triển làng nghề truyền thống gắn với các tour du lịch, tuyến tham quan, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá, tiếp thị rộng rãi đến du khách sẽ có thể giúp du lịch An Giang phát triển lớn mạnh.
Về giải pháp, ông Đinh Văn Thép, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang, chia sẻ thêm, sắp tới hiệp hội sẽ ra mắt trang web du lịch An Giang, làm đầu mối cùng các doanh nghiệp du lịch đưa khách về An Giang. Bên cạnh đó, sẽ cùng các bên liên quan giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng chất lượng dịch vụ du lịch với phương châm “chu đáo, tận tụy, nhiệt tình, nói dạ - vâng” một cách dễ thương… 
Tháng 5 - tháng du lịch An Giang, tỉnh đã mở rộng kêu gọi hợp tác đầu tư đến các tỉnh thành bạn trong cả nước. Hiệp hội Du lịch tỉnh An Giang cũng tăng cường giới thiệu quảng bá về văn hóa của người bản xứ (ẩm thực, con người…), các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống, tạo nên chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc như Tuần văn hóa ẩm thực và du lịch An Giang, hội thi hoa đăng, đua thuyền rồng; tổ chức hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang”, tọa đàm “Liên kết phát triển tuyến du lịch An Giang 2017”... Qua đó, cùng người dân và các doanh nghiệp trong, ngoài nước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự hài lòng để giữ chân du khách lâu hơn.

Tin cùng chuyên mục