An Giang: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ở sông Hậu

Chiều 19-8, UBND tỉnh An Giang cho biết, trước tình hình sạt lở ở một số nơi diễn biến phức tạp, UBND tỉnh vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu ở xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) và xã Châu Phong (thị xã Tân Châu).

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang nhận định, tình trạng sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bao và là tuyến đường tỉnh lộ 953, đây là tuyến đê bao bảo vệ sản xuất cho 3.500 ha vùng Bắc kênh Vĩnh An và bảo vệ 3 tuyến dân cư với trên 3.000 hộ dân sống trong vùng. Từ năm 2016 đến tháng 7-2019, đoạn này đã xảy ra 6 vụ sạt lở và 1 vụ răn nứt, với tổng chiều dài 1.124 m; trong đó sạt lở mới nhất vào cuối tháng 7-2019 với chiều dài 40 m, ăn sâu vào đất liền 10 m… Đối với tuyến đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) bảo vệ sản xuất 900 ha và bảo vệ dân cư trong vùng khoảng 3.702 hộ dân, cùng trụ sở UBND xã Vĩnh Trường, trạm y tế xã, 6 điểm trường học… Thực trạng sạt lở đê bao tiểu vùng xã Vĩnh Trường từ tháng 2-2017, với chiều dài 15 m, ăn sâu vào đất liền 4 m. Trong năm 2018, tiếp tục xảy ra 4 vụ sạt lở tại khu vực này, với chiều dài 222 m, ăn sâu vào đất liền 9 m, sạt lở khoét sâu vào mặt đê và đường giao thông từ 2-3 m, rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và tuyến đê bao. Mặc dù huyện đã chủ động gia cố tạm, nhưng khả năng sạt lở tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong mùa lũ 2019 này.

Sạt lở phức tạp ở QL 91 thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang  xảy ra gần đây
Trước tình hình nguy hiểm trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở TN-MT khoanh vùng những nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; chính quyền các địa phương tăng cường theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời xử lý di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở; cắm biển cảnh báo, làm rào chắn ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở…

Bên cạnh đó, nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định và phê duyệt phương án phòng chống sạt lở; đồng thời huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở…

Có thể nói, tình hình sạt lở bờ sông ở An Giang rất phức tạp, với khoảng 20 vụ mỗi năm, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và làm đảo lộn cuộc sống. Mới đây, xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở Quốc lộ 91 đoạn đi qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú). Đây là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Long Xuyên đi TP Châu Đốc và các huyện thị khác của tỉnh An Giang, đồng thời là tuyến giao thông chính đi Campuchia… 

Tin cùng chuyên mục