Ấn Độ hướng đến tự chủ chất bán dẫn

Do không sản xuất chất bán dẫn trong nước, hiện Ấn Độ phải nhập khẩu hoàn toàn, ước tính trị giá 24 tỷ USD và dự báo lên đến 100 tỷ USD vào năm 2025. Chính vì vậy, New Delhi đã đề ra chính sách tự chủ mặt hàng cần thiết cho nhiều thiết bị điện tử này.
Một nhà máy sản xuất máy vi tính ở Ấn Độ
Một nhà máy sản xuất máy vi tính ở Ấn Độ

Chất bán dẫn được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử, bao gồm diode, transistor và mạch tích hợp, từ đó chạy các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, TV, máy tính... Trong thời kỳ dịch Covid-19, nhu cầu về thiết bị điện tử tăng mạnh toàn cầu để đáp ứng các hoạt động không tiếp xúc. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia như Ấn Độ.

Vào trung tuần tháng 12, Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng thiết lập chính sách khuyến khích toàn diện, hướng tới việc xây dựng một hệ thống tự cung tự cấp chất bán dẫn. Việc thực hiện chính sách này do Văn phòng Thủ tướng Chính phủ giám sát. Chính phủ Ấn Độ đang đàm phán với các công ty hàng đầu thế giới như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), Intel, AMD, United Microelectronics Corp và Fujitsu để lập các liên danh sản xuất chất bán dẫn tại nước này. Cùng với đó là gói sáng kiến trị giá 10 tỷ USD để khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất chất bán dẫn. Theo Times of India, Ấn Độ công bố các biện pháp khuyến khích dành cho các công ty tham gia vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn silicon, màn hình hiển thị, chất bán dẫn hợp chất, quang tử silicon, tấm cảm biến…

Với chính sách này, Chính phủ Ấn Độ dự kiến tạo ra thêm hàng trăm ngàn việc làm trong vòng 4 năm tới. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ, ông Ashwini Vaishnaw, sản xuất điện tử ở nước này hiện đạt doanh thu khoảng 75 tỷ USD, dự kiến tăng lên tới 250 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Ông Vaishnaw nói: “Hãy tưởng tượng, chúng ta (Ấn Độ) sẽ đạt mức lợi nhuận như thế nào nếu sự gia tăng này bao hàm cả việc tự cung ứng chất bán dẫn từ trong nước”.

Cũng nằm trong chính sách khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước, Ấn Độ chuẩn bị xây dựng một trung tâm sản xuất chất bán dẫn liên doanh với 2 công ty Đài Loan là TSMC và United Microelectronics Corporation. Lãnh thổ Đài Loan hiện là nhà sản xuất chip lớn trên toàn cầu. Theo ước tính, TSMC sản xuất khoảng 50% các chất bán dẫn trên toàn cầu.

Một trong các bang của Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn là Uttar Pradesh. Thủ hiến bang Yogi Adityanath cam kết cung cấp nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho các công ty và công ty khởi nghiệp công nghệ để thành lập các công ty sản xuất chất bán dẫn trong bang. Bang Uttar Pradesh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị chất bán dẫn ở Ấn Độ, phát triển hệ sinh thái cho các ngành công nghiệp khác nhau ở nước này. Trong 5 năm qua, chính quyền bang đã thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử. Các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Microsoft, MAQ, Adani Group, Hiranandani Group… cũng đã được giao đất để thiết lập các trung tâm dữ liệu (data) và sản xuất điện tử.

Tuy nhiên, thử thách phía trước còn nhiều với bang Uttar Pradesh nói riêng và Ấn Độ nói chung. Xây dựng một cơ sở chế tạo chất bán dẫn, hay còn gọi là fab, có thể tốn hàng tỷ USD ngay cả ở quy mô tương đối nhỏ. Fab lại rất mau tụt hậu một hoặc hai thế hệ so với công nghệ mới nhất, và cần hàng triệu lít nước sạch cùng nguồn điện cực kỳ ổn định.

Tin cùng chuyên mục