Ấn Độ - ASEAN gắn kết chặt chẽ

Đây là nhận định của các học giả tham gia hội thảo trực tuyến “Gắn kết thương mại và địa chính trị Ấn Độ - ASEAN” do Tổ chức nghiên cứu chính sách và trao quyền (SPRE) có trụ sở tại New Delhi tổ chức với các diễn giả đến từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Lào cùng nhiều đại biểu đến từ Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Mỹ...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Hữu Việt Nam - Ấn Độ trao vật tư y tế cho Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma. Ảnh:TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Hữu Việt Nam - Ấn Độ trao vật tư y tế cho Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma. Ảnh:TTXVN

Bà Dato Nazirah Hussain, cựu Đại sứ Malaysia tại Thái Lan và là Cao ủy Liên hiệp quốc tại Sri Lanka và Maldives, nói: “Chúng tôi nhìn vào Ấn Độ như một người bạn rất tốt, thân thiết. Chúng ta nên tiếp tục làm việc để củng cố lại mối quan hệ song phương và cần tập trung vào việc tăng cường quan hệ ngoại giao nhân dân”.

Đại sứ Hussain là nhà ngoại giao nổi tiếng và cũng đã phục vụ trong Đại sứ quán Malaysia ở Trung Quốc và Singapore. Bà cũng từng là Tổng giám đốc của Cục ASEAN trong Bộ Ngoại giao Malaysia. Bà chia sẻ kinh nghiệm tham gia các cuộc họp ASEAN - Ấn Độ, nhấn mạnh rằng các cấp lãnh đạo cần thảo luận trực tiếp về các vấn đề gây tranh cãi để có giải quyết nhanh các mâu thuẫn. Đại sứ Hussain cũng ca ngợi vai trò của Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm khi Ấn Độ được đánh giá là cha đẻ của các loại thuốc giá rẻ.

Tiến sĩ Faisal Ahmed, Trường Quản lý FORE, New Delhi đánh giá ASEAN là khu vực tiến bộ về kinh tế, sôi động về văn hóa và có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN có chung mối quan hệ văn minh và văn hóa mạnh mẽ. Trong năm 2018-2019, thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 97 tỷ USD, thương mại dịch vụ đạt 45 tỷ USD. Ông cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ và ASEAN có quan hệ rất quan trọng về tài nguyên, tuyến đường biển, quốc phòng, đầu tư, chuỗi giá trị, kết nối khu vực và hợp tác văn hóa.

Tiến sĩ Mahjabin Banu, Chủ tịch SPRE, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi, nhấn mạnh, Việt Nam có danh tiếng về tổ chức các đối thoại toàn cầu và khu vực. Với cam kết lâu dài về hội nhập ASEAN, ngay từ năm 1998 Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và tại đó, Việt Nam đã tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên.

Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch hành động Hà Nội kêu gọi hợp tác kinh tế vĩ mô và tài chính, làm hài hòa các thủ tục hải quan và tự do hóa thương mại. Tại hội thảo, các học giả cũng đánh giá cao thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay. Việc Việt Nam kiểm soát được số bệnh nhân ít, không có người tử vong và sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, Việt Nam đã đóng góp rất có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay, Việt Nam không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chống dịch mà còn ủng hộ, hỗ trợ nhiều nước trang thiết bị y tế, trong đó có Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN.

Về quan hệ Việt - Ấn, PGS-TS Lê Văn Toan cho rằng, cần nghiên cứu kỹ các truyền thống văn hóa đã định hình mối quan hệ giữa hai nước trong những năm qua. Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử quan hệ, giao lưu văn hóa lâu đời, được vun đắp bởi các nhà lãnh đạo hai nước. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 198 quốc gia trên thế giới nhưng chỉ có 3 đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có Ấn Độ.

Tin cùng chuyên mục