Ấm lòng từ những suất cơm miễn phí

Những ngày giãn cách xã hội, nhiều người bán hàng rong, tài xế Grab, bán vé số trở nên thất nghiệp. Số tiền mà họ kiếm được đã ít ỏi, nay trở nên hiếm hoi hơn. Vì vậy, những suất cơm nóng hổi hay những gói mì tôm... trở thành niềm vui lớn lao, giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn.

Những suất cơm miễn phí mỗi ngày phần nào giúp người lao động nghèo vơi bớt khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội
Những suất cơm miễn phí mỗi ngày phần nào giúp người lao động nghèo vơi bớt khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội

Tại góc đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), anh Nguyễn Duy Đức cùng với một số bạn trẻ mang những suất cơm miễn phí phân phát cho những người lao động nghèo mưu sinh tại khu vực xung quanh.

Anh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện nguyện Bông Sen, chủ quán cơm Yên Vui (quận Thanh Khê) cho hay, anh và mọi người nấu và phát cơm 3 buổi/tuần. Trung bình mỗi tháng, tổng số tiền mà quỹ Bông Sen và các mạnh thường quân đóng góp để tặng miễn phí cho cộng đồng có tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ những ngày thực hiện cách ly xã hội, quán cơm Yên Vui đã phát liên tục tất cả các ngày trong tuần với 250 suất mỗi ngày.

Những điểm phát cơm cố định, anh Nguyễn Duy Đức cùng với mọi người đặt sẵn những suất ăn trưa trên bàn để người nghèo ai cần thì đến lấy kèm với một lưu ý: “Xin bà con vui lòng không đứng quá gần nhau, rửa tay sát khuẩn trước khi lấy cơm. Cảm ơn”
Anh Nguyễn Duy Đức cũng cho biết thêm, từ ngày 1-4, để tránh mọi người tụ tập tại những điểm phát cơm dù chỉ vài phút, anh cùng với một số người trong nhóm chia ra, mỗi người một xe với một thùng đựng cơm đi khắp các tuyến đường lớn để phân phát cho những người lao động không có gì ăn trong những trưa nắng nóng.
Bên cạnh đó, tại những điểm phát cơm cố định, anh cùng với mọi người đặt sẵn những suất ăn trưa trên bàn để người nghèo ai cần thì đến lấy kèm với một lưu ý: “Xin bà con vui lòng không đứng quá gần nhau, rửa tay sát khuẩn trước khi lấy cơm. Cảm ơn”.

Xếp hàng chờ đến lượt, bà Huỳnh Thị Lam (trú phường Hòa Thuận, quận Hải Châu) kể rằng, trước dịch Covid-19, bán vé số mỗi ngày, bà kiếm được khoảng 70.000 đến 100.000 đồng, đủ nuôi sống bản thân và đứa con trai tật nguyền. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài, gia cảnh bà Lam càng ngày càng khó khăn hơn.

Các tình nguyện viên cũng luôn nhắc nhở mọi người rửa tay sát khuẩn trước khi nhận cơm
“Hiện giờ tôi chỉ mong hết dịch để có thể tiếp tục mưu sinh. Những ngày dịch bệnh, những bữa cơm miễn phí giúp tôi sống sót qua ngày khốn khó. Trưa nào tôi cũng cố gắng đạp xe đến đây để nhận cơm ăn. Người ta phát cái gì thì tôi nhận cái đó, dù là 1 nắm xôi hay mấy gói mì tôm, thế là quý rồi”, bà Lam xúc động.

Không giấu được nụ cười hạnh phúc, cầm trên tay phần cơm nóng hổi vừa nhận được, bà Nguyễn Thị Mùi (trú tại đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) chia sẻ, bà làm nghề rửa bát thuê cho một quán bún bò, giờ quán không cho mở cửa, không có việc làm, bà đi nhặt giấy vụn, chai lọ nhưng mà bán cũng chẳng ai mua. Khi nghe đến suất cơm miễn phí, những người khó khăn như bà đều mừng rỡ.

“Hiện tại những người làm thuê như tôi đều thất nghiệp cả, ai cũng đói ăn hết rồi. Bởi vậy, khi nghe thấy ở đâu có làm từ thiện là mừng lắm, chạy đến kiếm cho được hộp cơm. Chỉ cần như vậy thôi cũng đã đủ ấm lòng rồi", bà Nguyễn Thị Mùi nói.

Không riêng gì anh Đức, những ngày đầu dịch bệnh, ông Phạm Thanh (trú tại đường Hùng Vương, quận Hải Châu) kêu gọi mọi người chung tay mua khẩu trang, vitamin C, nhu yếu phẩm ủng hộ cho những nhân viên thực hiện phòng chống dịch tại các khu cách ly, một số bệnh viện.

Từ ngày 1-4, ông Thanh cùng với một số người bạn tiếp tục mua 5.000 thùng mì tôm, 50 tấn gạo và những hộp cơm phân phát cho những người lao động nghèo. Ông cùng mọi người phân phát thật nhanh để người dân không thể tập trung đông. 

Ấm lòng từ những suất cơm miễn phí ảnh 3 Mọi người đến lấy phải giữ trật tự và đeo khẩu trang, tuân thủ xếp hàng cách nhau 2 mét được kẻ sẵn trên nền đất để đảm bảo an toàn
Ông Phạm Thanh cho biết, sống ở TP Đà Nẵng nhiều năm, ông đã chứng kiến người dân nghèo khổ mưu sinh như thế nào trong mùa bão lũ cũng như mùa dịch. Vì vậy, bằng khả năng của bản thân, ông cùng một số người bạn mong muốn san sẻ những khó khăn, khuyến khích họ tiếp tục "chiến đấu" trong những ngày dịch bệnh kéo dài. “Mình là người may mắn hơn người ta nên mình có thì mình chia sẻ cho đồng bào”, ông Thanh chia sẻ.

Không chỉ vậy, để giúp đỡ những người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều điểm phát cơm miễn phí khác đã xuất hiện. Có thể nói, trong những ngày khốn khó này, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh làm ấm lòng từ những con người Đà Nẵng tốt bụng.

Tin cùng chuyên mục