Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện

Họ là những cán bộ đã nghỉ hưu, anh công chức, cô nhân viên, người bác sĩ… ở TPHCM có chung tâm hướng, ý nguyện giúp đời bằng những việc làm thiết thực ở bất cứ nơi đâu. Thông điệp cuộc sống của họ: Làm được một việc thiện là góp một viên gạch đắp xây cuộc sống tốt đẹp hơn lên.

Cho đi yêu thương

“Trân trọng thông báo đến các anh chị, các bạn, chương trình xã hội “Ấm áp mùa đông 2019” sẽ được tổ chức vào giữa tháng 12 năm nay. Anh chị em, các bạn tham gia xin đăng ký trước ngày 20-10”. Vào đầu tháng 10 hàng năm, các thành viên trong nhóm thiện nguyện Gia Lai lại nhận được tin nhắn của anh Nguyễn Tương Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 12, hiện là Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài TPHCM.

Vài ngày sau, tin nhắn của các thành viên trong nhóm dồn dập hồi đáp: “Mình đăng ký 300 thùng mì nghe Minh”, “Anh 50 triệu đồng Minh ơi”, “Em một con bò và 10 chiếc xe đạp nghe”, “Cho em góp một căn nhà tình thương ạ”, “Chị có 200 cái mền Minh ơi”… Riêng nhóm y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM thì năm nào cũng đăng ký 25 - 30 người tham gia với số thuốc đủ khám, phát miễn phí cho hơn 1.000 người. 

Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện ảnh 1 Chương trình “Ấm áp mùa đông” năm 2017 tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai)
Trước chuyến đi, mỗi người một phần việc sắp đặt từng chuyến hàng chở lên Gia Lai để các bạn ở Tỉnh đoàn sắp xếp, phân bổ về các nơi. Ngoài khám bệnh, phát thuốc, tặng hơn 1.000 phần quà (mỗi phần 300.000 đồng), 100 xe đạp, một căn nhà tình thương, mỗi năm lại có thêm những phần việc giúp đồng bào dân tộc Bana, Jrai tại các bản làng. Có năm tặng 10 con bò, một công trình dân sinh, một cây cầu; năm thì vài tủ sách, những suất học bổng, những bộ quần áo mới tặng các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn…
Để có được đều đặn  nguồn lực gần 1 tỷ đồng mỗi năm chăm lo cho bà con vùng xa khó khăn, ngoài đi vận động các mạnh thường quân, các thành viên còn tự đóng góp, như ông Đặng Văn Cường (nguyên Bí thư Quận ủy quận 12) mỗi năm góp một tháng lương hưu của hai vợ chồng; anh Thu thì lợi nhuận một tháng của quán bò kho; anh Nhật, tài xế Công an tỉnh Bình Dương, là thu nhập của 2 tháng cho thuê nhà trọ; chị Hạnh, chị Ngọc, anh Chúc, anh Nam, anh Sơn (doanh nghiệp bất động sản) năm ít thì vài chục triệu đồng, năm nhiều lên đến 100, 200 triệu đồng. Còn bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) và một số người bạn dành dụm 2 năm để xây tặng căn nhà tình thương cho một hộ nghèo ở huyện Kong Chro (tỉnh Gia Lai)… 

Khởi điểm, nhóm thiện nguyện chỉ hơn 10 thành viên, tổ chức chương trình Ấm áp mùa đông tại tỉnh Gia Lai, 10 năm sau, “nở nồi” lên hơn 70 thành viên, đem hơi ấm tình thương đến tận vùng trung du Phú Thọ, Môn Sơn - Trường Sơn của Nghệ An, đảo xa Phú Quý… 

Hạnh phúc tìm về

Không lập thành hội từ thiện như nhóm thiện nguyện Gia Lai, nhiều cá nhân thầm lặng có cách làm của riêng mình hướng đến người nghèo. Trong đó có việc làm của anh Nguyễn Lê Minh, Trưởng phòng Kinh tế quận Phú Nhuận, trong năm qua đã vận động được hơn 2,5 tỷ đồng giúp người nghèo từng chiếc xe đạp, phần quà tết, suất học bổng, phương tiện sinh kế. Việc làm thầm lặng đó của anh Minh đã làm thay đổi cuộc sống của bao người nghèo khó, góp phần kéo giảm hộ nghèo tại nhiều địa phương. 

Hay anh Trịnh Văn Ơn, Bí thư Đảng bộ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), nhiều năm âm thầm góp nhặt từng đồng lương, thu nhập hàng tháng để xây phòng trọ cho hơn 30 công nhân hoàn cảnh khó khăn trú ngụ và tặng hơn 300 phần quà tết gửi về gia đình công nhân xa quê. Cũng với cách chắt chiu, góp nhặt từng đồng lo cho người nghèo, ở quận 10 còn có cô giáo Nguyễn Trần Minh Nhựt (Trường Măng non 1), trong sinh hoạt hàng ngày luôn ý thức tiết kiệm từng khối nước, từng ký điện… 

Những tấm gương công dân thành phố thầm lặng làm việc thiện là những bông hoa đang ngày đêm làm đẹp cho đời, góp phần tôn lên giá trị nhân văn cao cả của văn hóa người Việt Nam. Với họ, hạnh phúc sẽ tự tìm về từ những sẻ chia, chung góp yêu thương.

Tin cùng chuyên mục