Ám ảnh những vụ tông xe hàng loạt

Tối 7-7, một chiếc xe hơi đang chạy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5, TPHCM, thì bất ngờ tăng tốc, tông nhiều xe máy rồi lao vào cửa hàng bán linh kiện điện thoại. Có 9 người bị thương phải đưa đi cấp cứu. Vụ việc làm người ta không khỏi rùng mình liên tưởng đến vụ tông xe liên hoàn ở khu vực ngã tư Hàng Xanh vào tháng 10 năm ngoái. 

Người lái xe cũng là một phụ nữ và nạn nhân của họ đều là những người vô tội. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ. Nhưng bất kể là gì, vụ việc thêm một lần nữa dấy lên trong lòng người dân nỗi lo lắng bất an bởi tai họa “trên trời rơi xuống” dường như không chừa một ai.

Đối với đô thị có dân cư đông đúc như TPHCM, lượng xe cộ khổng lồ, nhà cửa, hàng quán san sát dọc hai bên đường thì đôi lúc sinh mạng người đi đường, thậm chí ngồi trong nhà chẳng khác nào “chỉ mảnh treo chuông”.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2018, trên toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm 8.248 người chết và 14.802 người bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà mà không quay trở về vì tai nạn giao thông.

Điều đáng chú ý, trong giao thông đường bộ, có tới 70% số vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đứng đầu là vi phạm làn đường, phần đường; thứ hai là chuyển làn không quan sát; vi phạm tốc độ; vi phạm quy trình thao tác khi lái xe. Nguyên nhân lái xe sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ thấp hơn, nhưng trong số các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì nguyên nhân này lại chiếm tỷ lệ lớn.

Nhìn sâu vào những nguyên nhân trên, có thể thấy tai nạn giao thông không hẳn là số phận “trời kêu ai nấy dạ”. Rất nhiều vụ việc đau lòng có thể tránh được nếu mỗi người khi ra đường đều “mang theo” ý thức chấp hành tuyệt đối quy tắc giao thông.

Nữ tài xế chiếc BMW gây tai nạn ở vòng xoay Hàng Xanh đứng trước tòa không còn dáng vẻ tự tin “tôi lo được” như khi vừa xảy ra vụ việc. Bà khóc sụt sùi, xin gia đình các nạn nhân tha thứ, khuyên mọi người không lái xe khi đã uống rượu bia, không đi giày cao gót vì dễ gây thao tác nhầm lẫn.

Xử phạt thật nghiêm người gây tai nạn là cần thiết để răn đe, nhưng cũng nên nhìn vào những nguyên nhân trên để phòng ngừa triệt để. Quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” tới đầu năm 2020 mới có hiệu lực. Người dân chờ đợi những chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi uống rượu lái xe, kể cả khi chưa gây tai nạn.

Cùng với đó, cũng phải chú trọng hơn công tác đào tạo, sát hạch lái xe, không để đất sống cho những nơi “không cần học, vẫn bao đậu”. Tai họa sẽ bớt đi khi pháp luật được thực thi nghiêm túc và ý thức mỗi người khi ra đường được nâng lên đạt chuẩn.

Tin cùng chuyên mục