AI-Challenge gắn với giao thông thông minh

Ban tổ chức (BTC) Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020 đã nhận được bài dự thi nội dung Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) của hai nhóm thi theo chủ đề “AI với giao thông thông minh”. Cách thức thi AI-Challenge thu hút nhiều sản phẩm công nghệ mới mẻ, thiết thực trong đời sống.

Thi theo thời gian thực

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Trưởng BTC hội thi cho biết, nhóm 1 Hội thi AI-Challenge có 217 đội, 534 thí sinh tham dự. Đa phần thành viên đang theo học, làm việc tại các trường đại học (ĐH) TPHCM.

Ngoài ra, còn học sinh cấp 3, sinh viên tại Singapore và cả các viện AI của doanh nghiệp, tổ chức lớn tham dự như VinAI Research, Viện John Von Neuman, Công ty Công nghệ thông tin VNPT-IT khu vực 2, Công ty FPT Information System… Điều này chứng tỏ hội thi có sức thu hút nhiều hơn mong đợi. 

AI-Challenge gắn với giao thông thông minh ảnh 1 Hệ thống camera quan sát điều tiết giao thông tại Bình Chánh, theo dõi lưu lượng xe từ cao tốc vào nội đô thành phố. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Chủ đề của nhóm 1 là “AI với giao thông thông minh” nên các đội dự thi đều làm bài trên hệ thống thời gian thực qua kết nối với hệ thống camera giao thông của thành phố. Đội dự thi sẽ đếm số lượng xe mỗi loại di chuyển theo các hướng khác nhau trong video được ghi nhận từ camera giao thông tại TPHCM. Bài toán này phục vụ việc phân tích lưu lượng xe trên các tuyến đường, từ đó hỗ trợ đề xuất và thiết kế các giải pháp nhằm giảm tắc nghẽn giao thông.

BTC cho biết, để hướng đến các giải pháp mang tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào thực tế, kết quả xếp hạng cuối cùng được đánh giá trên cả hai tiêu chí: tính chính xác và tính hiệu quả. Các đội phải phát triển thuật toán đếm số lượng xe thuộc bốn loại xe. Loại 1: xe 2 bánh như xe đạp, xe máy; Loại 2: xe 4-7 chỗ như xe hơi, taxi, xe bán tải; Loại 3: xe trên 7 chỗ như xe buýt, xe khách; Loại 4: xe tải, container, xe cứu hỏa…

Với mỗi video giao thông được ghi nhận tại một camera cụ thể, BTC sẽ xác định một vùng quan sát (Region-of-Interest, viết tắt ROI) và các hướng di chuyển (Motion-of-Interest, viết tắt MOI). ROI được biểu diễn dưới dạng một đa giác, giới hạn vùng không gian cần tập trung quan sát và xử lý để phát hiện phương tiện giao thông.

MOI giúp xác định làn xe di chuyển theo các hướng khác nhau trong video. Do đó thuật toán của đội dự thi cần tự động phát hiện phương tiện giao thông (thuộc về 1 trong 4 loại xe nêu trên) tại thời điểm xe này rời khỏi vùng quan sát. 

Tất cả chạy trên hệ thống 

PGS-TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), chủ khảo nhóm 1 cho biết, đến nay tất cả các đội đã nộp bài thi, là các lời giải cho tập dữ liệu kiểm tra của vòng sơ tuyển trên hệ thống, server chấm điểm trực tuyến. Theo kế hoạch, đến 5-9, BTC sẽ công bố danh sách các đội vào vòng chung kết. Từ ngày 5 đến 10-9, các đội vào vòng chung kết nộp giải pháp cho BTC để thực thi giải pháp trên hệ thống. Từ ngày 10 đến 15-9-2020, BTC sẽ chấm thi chung kết trên tập dữ liệu kiểm tra chung kết.

Việc chấm điểm, tất cả đều trên hệ thống tự động và mỗi đội có thể nộp nhiều lời giải. Đối với xếp hạng các đội ở vòng sơ tuyển, BTC sẽ công bố kết quả mỗi lời giải trên 50% dữ liệu thử nghiệm, sau khi chấm dứt vòng sơ tuyển, BTC sẽ công bố kết quả các lời giải của đội trên 100% dữ liệu thử nghiệm. Ở vòng chung kết, việc đánh giá lời giải bao gồm tính chính xác và tính hiệu quả. Điểm đánh giá kết quả mỗi đội được tính theo công thức từ thuật toán mà BTC đã đưa ra. 

PGS-TS Trần Minh Triết nhấn mạnh: Để đánh giá và so sánh công bằng giải pháp của các đội dự thi ở vòng chung kết về tính chính xác và tính hiệu quả, các đội nộp và thực thi các giải pháp này trên hệ thống của BTC. Giải pháp của đội gồm mã nguồn, các tập tin cấu hình cần thiết và các tập trọng số đã huấn luyện.

BTC sẽ thực thi giải pháp của mỗi đội và ghi nhận kết quả đối với bộ dữ liệu kiểm tra ở vòng chung kết. Dựa trên tính chính xác (đếm số lượng xe mỗi loại) và tính hiệu quả (thời gian thực thi) để BTC công bố kết quả. 

AI-Challenge chủ đề “AI với giao thông thông minh” sẽ tìm kiếm thêm giải pháp hiệu quả cho các vấn đề đang được quan tâm hiện nay, hướng đến phục vụ cuộc sống. Cụ thể là giải pháp mang tính thực tiễn cho bài toán giao thông, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông”, ông Lê Quốc Cường nhận xét.

Tin cùng chuyên mục