Ai được hưởng theo thẻ BHYT?

Về việc hưởng BHYT diện “hưởng theo”, thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách nhà nước đóng BHYT, gồm: con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học...
* Tôi thoát ly làm cách mạng trước ngày 30-4-1975, rồi phục vụ trong quân đội đến tháng 6-1981 thì chuyển công tác về Công ty Dệt may Thắng Lợi. Tháng 3-2008, tôi nghỉ hưu. Năm 2015, tôi được Sở LĐTB-XH TPHCM giới thiệu đi giám định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, kết quả tỷ lệ suy giảm 47%. Sau khi đọc hướng dẫn trên Báo SGGP, ngày 5-1-2017, tôi đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Tân Phú xin chuyển thanh toán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ hưởng 95% sang chế độ hưởng 100% (theo diện người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học). Tuy nhiên, BHXH quận Tân Phú trả lời tôi không đủ điều kiện. BHXH quận Tân Phú trả lời tôi như vậy có đúng không? Và, những trường hợp nào thì vợ, con được hưởng theo BHYT (diện ăn theo)? (PHAN VĂN PHẾT, quận Tân Phú, TPHCM).
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ông được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2). Ghi nhận góp ý, BHXH TPHCM đã nhắc nhở, chấn chỉnh cách phục vụ của BHXH quận Tân Phú về trường hợp của ông. Ông vui lòng lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT (theo phiếu giao nhận hồ sơ 402) nộp tại BHXH quận Tân Phú để được giải quyết, trong hồ sơ cần kèm theo quyết định hưởng trợ cấp của Sở LĐTB-XH TPHCM.
Về việc hưởng BHYT diện “hưởng theo”, thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách nhà nước đóng BHYT, gồm: con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, của các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Như vậy, ông là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 61% nên thân nhân không được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
* Có phải người có công có tỷ lệ thương tật 61% trở lên thì thân nhân của họ mới được hưởng BHYT 95%? Còn người có công có tỷ lệ thương tật dưới 61% thì BHYT của thân nhân họ được hưởng ở mức nào? (NGUYỄN HỮU CẦN, quận 4, TPHCM)
- Thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh, gồm các đối tượng như câu trả lời ở trên. 
Trường hợp thân nhân của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động dưới 61% hoặc người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động dưới 61% (trừ con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt) nếu tham gia BHYT theo đối tượng khác thì có mức hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM; hoặc điện thoại 091.444.6618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục