Ách tắc kết nối chuỗi liên kết

Liên kết sản xuất kinh doanh thịt heo theo chuỗi giá trị được đánh giá là giải pháp hiệu quả để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy các chuỗi liên kết đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và phối hợp của nhiều địa phương. Trên thực tế, một số đề án kết nối chuỗi từ sản xuất đến thị trường của TPHCM đang bị ách tắc và hiện chưa có phương án tháo gỡ.
Ách tắc kết nối chuỗi liên kết ảnh 1 Lực lượng chức năng kiểm tra thông tin truy xuất nguồn gốc thịt heo vào thị trường TPHCM
 Sản xuất manh mún
Tuy nhận được sự đồng thuận của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhưng do gặp rào cản ở khâu liên kết vùng nên đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” của TPHCM đang gặp nhiều thách thức không nhỏ. Trong khi cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được các phương án tháo gỡ khó khăn thì sản phẩm thịt heo không có thông tin truy xuất nguồn gốc vẫn được tiêu thụ trên địa bàn TPHCM qua kênh phân phối truyền thống và chợ bán lẻ.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại diện một số tỉnh, thành khu vực phía Nam cho rằng, do các cơ sở chăn nuôi, hợp tác xã, đơn vị giết mổ chưa quen với việc sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc nên việc cập nhật thông tin còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng một số hộ nông dân chăn nuôi gặp trở ngại khi tiếp cận với công nghệ thông tin, internet; đồng thời chưa quen với thao tác cập nhật thông tin và đeo vòng nhận diện cho heo.
Theo các chuyên gia, hiện nay thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa là xu thế của thế giới, trong đó hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không xa lạ gì với quy trình sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc và tuân thủ rất tốt. Nhưng hàng hóa phục vụ thị trường nội địa lại bị nhiều doanh nghiệp biết nhưng vẫn “bỏ lơ”. Còn các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ, trong quá trình tiếp cận bị vướng nhiều rào cản. Nếu đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM được kết nối và thực hiện tốt, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa nội địa mà còn từng bước thúc đẩy hình thành nên những thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và quốc tế ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, kiêm Giám đốc Dự án nâng cao giá trị chuỗi thịt heo Việt Nam theo định hướng quốc tế (VIP), cho rằng: “Những mô hình sản xuất theo chuỗi đã được triển khai thành công ở nhiều nước, phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi heo theo xu thế hiện đại. Riêng bối cảnh ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam gặp khó khăn và khủng hoảng trong thời gian dài; vì vậy, mô hình sản xuất theo chuỗi sẽ là công cụ hiệu quả giải quyết những tồn tại, bất cập và tạo ra hướng đi mới bền vững hơn”. 
Còn theo đại diện Công ty TNHH DV An Hạ, khi triển khai các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh và tạo nguồn cung thực phẩm cần đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; có nghiên cứu năng lực tham gia chuỗi của các đối tượng liên quan. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước phải ưu tiên đảm bảo tạo đầu ra cho sản phẩm tham gia chuỗi, cụ thể là cam kết và thực hiện tiêu thụ hàng hóa bền vững. Đặc biệt, cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua việc kiên quyết xử lý các vụ việc gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm, sản xuất và bán buôn hàng hóa kém chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho hay: “Trên thực tế, việc sản xuất, chế biến thực phẩm ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Còn nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình nên phần lớn thiếu trang thiết bị, nhà xưởng đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt... đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của nhiều địa phương”. 
Tăng sản phẩm tham gia chuỗi
Thực tế, sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Do vậy, cần sự phối hợp cung ứng, tạo nguồn cung thực phẩm của các địa phương khác. Đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và số lượng. Nên không riêng gì đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mới được triển khai từ đầu năm 2017 đến nay, mà công tác thúc đẩy các mô hình liên kết tiêu thụ thịt heo trên địa bàn TPHCM đã được thực hiện trong nhiều năm qua. 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, vừa qua TP đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chấp thuận chủ trương cho phép thành phố được triển khai thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM. Đồng thời, hỗ trợ TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án; cụ thể là thiếu cơ sở pháp lý trong chế tài thực hiện và giải pháp truyên truyền, vận động trong thời gian tới.
Cụ thể, các mô hình liên kết tiêu thụ thịt heo được kiểm soát an toàn thực phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng tiêu thụ đã được đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua. Tính từ năm 2013 đến nay, TPHCM đã có 3 đơn vị được chứng nhận với sản lượng tiêu thụ bình quân gần 1.350 con/ngày, chiếm gần 13% so với tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết: Lãnh đạo thành phố đã phê duyệt chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, ưu tiên tổ chức cải thiện đàn heo giống, cung cấp nguồn heo giống thương phẩm cho các hộ, trang trại tham gia chuỗi liên kết trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Qua đó, phấn đấu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ thịt (chuỗi thịt heo) đạt mục tiêu đến năm 2020, cung cấp thịt an toàn được kiểm soát theo chuỗi bình quân khoảng 3.000 con/ngày, chiếm khoảng 30% nhu cầu của người dân thành phố.  
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sức ép cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do, vấn đề kiểm soát chất lượng cần được ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi, sản xuất thịt heo tại Việt Nam. Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) nhấn mạnh: Xây dựng quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, giết mổ cũng như sản phẩm sau giết mổ không chỉ cần những giải pháp khuyến khích, vận động mà phải có nhiều công cụ dựa trên cơ sở pháp lý. Chỉ có như vậy, các mô hình liên kết tiêu thụ thịt heo nói chung và đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TPHCM mới có thể triển khai thành công với sự phối hợp liên kết chặt chẽ từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tin cùng chuyên mục