95% hồ sơ hành chính đúng hẹn nhưng dân kêu ca rất nhiều

Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) HĐND TPHCM khóa IX diễn ra vào ngày 15-3, các Đại biểu HĐND TPHCM đánh giá kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt 80% là chưa khách quan
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

80% hài lòng về thủ tục hành chính là chưa khách quan

Liên quan đến kết quả 80% người dân trên địa bàn TPHCM hài lòng về thủ tục hành chính, 95% hồ sơ được giải quyết đúng hẹn, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn tính khách quan của con số này.

ĐB Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng nhận xét tỷ lệ hài lòng rất cao về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều ý kiến của cử tri trong các lần tiếp xúc, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nhà đất, cấp giấy chứng nhận nhà, đất… Khi người dân giải quyết các thủ tục này, họ bị yêu cầu bổ sung hồ sơ rất nhiều lần nhưng thời gian đó không tính.

Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân cũng cho rằng kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80% là chưa khách quan. Việc giao cho cán bộ công chức giải quyết hồ sơ, phát khảo sát ý kiến của người dân, doanh nghiệp hay hình thức lấy ý kiến khảo sát hiện nay chưa rộng.

Do đó, việc đánh giá cần được thực hiện khách quan, rộng hơn. ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân nêu thực tế có tình trạng khi hồ sơ sắp hết hạn giải quyết thì cán bộ làm thủ tục trả hoặc vận động người dân rút hồ sơ. Vì vậy, bên cạnh con số thống kê về số hồ sơ giải quyết đúng hẹn (95%) cần phải bổ sung con số thống kê số hồ trơ trả trên 1 lần, số hồ sơ rút ra nộp lại.

Chia sẻ về nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền TPHCM trong thời gian qua, song ĐB Phạm Quốc Bảo đánh giá hiệu quả công tác này chưa cao. “Tiêu chí hàng đầu cần đặt ra khi cải cách là công khai, minh bạch, đơn giản và đa dạng các hình thức để người dân tiếp cận sao cho thuận tiện, dễ dàng nhất”, ĐB Pham Quốc Bảo nhấn mạnh và lưu ý đến cụ thể hóa địa chỉ trách nhiệm. ĐB Phạm Quốc Bảo cũng đề xuất TPHCM cần tổ chức đánh giá độc lập, từ đó chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác cải cách hành chính.

Góp ý thêm về giải pháp, ĐB Lê Trương Hải Hiếu đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Đồng thời, cần có giải pháp để tăng tính tương tác nhiều hơn giữa người dân với chính quyền.

Trong khi đó, ĐB Tô Thị Bích Châu đề xuất trong công tác cải cách hành chính, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp thì nên chọn một số chỉ số. Ví dụ, TPHCM "tuyên chiến" với phí không chính thức mà doanh nghiệp hay kêu ca, phàn nàn.

“TPHCM nên khảo sát, đánh giá rằng bao nhiêu doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức để giải quyết công việc? Tổng số chi cho hồ sơ là bao nhiêu?”, ĐB Tô Thị Bích Châu gợi ý và khẳng định từ kết quả khảo sát này sẽ đánh giá được chi phí không chính thức nặng nề thế nào với doanh nghiệp.

Đảm bảo ý kiến của chuyên gia được lắng nghe

Góp ý về đề án thu hút nhân tài, ĐB Phan Thị Hồng Xuân khẳng định, chủ trương thu hút chuyên gia, nhà khoa học là chính xác. Tuy nhiên, TPHCM cần mở rộng đối tượng thu hút trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn... Điều này sẽ góp phần đảm bảo xây dựng TPHCM văn minh hiện đại, nghĩa tình theo nghị quyết của Thành ủy.

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng chính sách thu hút nhân tài của TPHCM phải tạo sự đột phá, thu hút được người giỏi góp sức cho TP. Quan trọng hơn mức lương hay trợ cấp, TP cần toát lên chính sách kêu gọi, làm sao tạo cơ chế đặc biệt cho chuyên gia, nhà khoa học hoạt động hiệu quả, phát huy khả năng của họ. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực rất mới như công nghệ nano, năng lượng tái tạo, không gian ngầm…

Vì vậy, TPHCM cần đảm bảo ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học được lắng nghe, được áp dụng. Bởi có nhiều việc quá mới, khó có thể xác định việc đó đúng hay không nếu chiếu theo hệ quy chiếu các thủ tục hiện nay. “Nếu không thì rất khó chuyên gia phát huy năng lực của mình, thậm chí có thể không thể cống hiến những việc họ nghĩ là có thể làm được, cho TP”, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang bày tỏ.

95% hồ sơ hành chính đúng hẹn nhưng dân kêu ca rất nhiều ảnh 1 Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng tình, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đặt vấn đề: Nếu chỉ quan tâm đến tiền bạc thì liệu TPHCM có thu hút được nhân tài?

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Trí, cách đối đãi, tạo điều kiện cho nhân tài phát huy khả năng cũng rất quan trọng. Bởi bất kỳ nhà khoa học nào cũng có sự tự trọng nhất định. Do đó nếu chỉ tập trung vào chuyện tiền bạc có khi vô tình tạo ra rào cản trong việc thu hút nhân tài.

Cụ thể hơn, ĐB Vương Đức Hoàng Quân, cho rằng chính sách thu hút là một phần rất nhỏ, mà quan trọng hơn là việc “lưu giữ và sử dụng” nhân tài. Vì vậy, đề án cần có chính sách “lưu dụng” nhân tài hiệu quả hơn.

Tăng phí bảo vệ môi trường, môi trường có tốt hơn?

Thảo luận về các tờ trình về đề xuất tăng phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường; đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, hầu hết các ĐB đều bày tỏ đồng tình.

ĐB Dương Anh Đức đánh giá việc tăng mức phí đối với ô tô tạm dừng đỗ dưới lòng đường là giải pháp hợp lý giúp tăng thêm nguồn thu, giảm lượng xe ô tô vào trung tâm. Tuy nhiên, ĐB Dương Anh Đức lo lắng phương thức thu phí (không dùng tiền mặt mà thực hiện qua thu phí thông minh) sẽ dễ vấp phải phản ứng từ người dân.

“Thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường với cách tính lũy tiến theo giờ là phù hợp”, ĐB Vương Đức Hoàng Quân bổ sung nhưng đặt vấn đề: đề án nêu chỉ cho phép các ô tô có tài khoản mới được dừng đỗ dưới lòng đường có thu phí. Như vậy, đối với những xe không có tài khoản vẫn dừng đỗ thì có áp dụng biện pháp chế tài hay cẩu xe đi?

Ngoài ra, ĐB Vương Đức Hoàng Quân đề nghị cần xem xét đến thực tế từng tuyến đường cả về nhu cầu đậu đỗ lẫn năng lực của tuyến đường để có mức phí phù hợp hơn.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Vũ Thanh Lưu dự báo việc tăng phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường lên nhiều lần dẫn đến việc nhiều ô tô sẽ di chuyển sang các tuyến đường khác, đi vào các hẻm để né đóng phí. Điều này cũng dẫn đến các phức tạp xã hội, do các xe né phí dừng đỗ choáng mặt tiền của các hộ kinh doanh.

Vì vậy, ĐB Vũ Thanh Lưu đề nghị khi tăng phí đỗ xe ô tô, chính quyền TPHCM cần khảo sát, lắp đặt bổ sung các biển báo cấm đậu ô tô tại các tuyến đường, hẻm lân cận khu vực thu phí. Bên cạnh đó, ĐB Vũ Thanh Lưu nêu thắc mắc, nguồn thu phí được sẽ được sử dụng vào mục đích gì.

“Có thể tổng số tiền thu được không lớn nhưng trước yêu cầu công khai minh bạch thì những điều này cần phải làm rõ. Tương tự, đối với phí bảo vệ môi trường, khi tăng phí nên có cam kết môi trường tốt hơn, đặc biệt là nước thải ở các khu công nghiệp?”, ĐB Vũ Thanh Lưu nêu thắc mắc.

Bày tỏ ý kiến về đề xuất tăng phí, mở rộng đối tượng nộp thuế bảo vệ môi trường, ĐB Nguyễn Thị Ánh Hoa nhận xét, việc tăng phí là cần thiết, góp phần đảm bảo môi trường TPHCM trong sạch hơn.

Vấn đề là phải có cách làm phù hợp, ngăn ngừa tình trạng “thà nộp phí còn hơn đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải”. ĐB Nguyễn Thị Ánh Hoa phân tích chi phí đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải rất tốn kém nên có trường hợp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có thì cũng không vận hành.

Đồng tình, ĐB Dương Anh Đức nhận xét, trong nhiều trường hợp, dù cơ quan chức năng xử phạt mức trần song vẫn không bằng chi phí các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần kiên quyết, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải và phải xử lý nghiêm túc, đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Về tăng thu nhập cho công chức, viên chức, theo ĐB Lê Nguyễn Minh Quang, vấn đề lớn để việc tăng thu nhập không cào bằng và thực chất chính là khâu đánh giá cán bộ.

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang phân tích bất cập hiện nay, đa số các cán bộ, công chức, viên chức khi đánh giá cuối năm đều “hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Thậm chí, lãnh đạo còn ngại chỉ ra những người không tích cực, không hoàn thành nhiệm vụ vì “nếu làm rát thì cuối năm họ không bỏ phiếu cho mình”.

Từ đó, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị TPHCM cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ công chức, viên chức để việc đánh giá cho kết quả thực chất.

ĐB Nguyễn Mạnh Trí cho rằng việc thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức là sự bù đắp hướng đến chi trả xứng đáng với công sức cán bộ công chức bỏ ra. Tuy nhiên, việc dựa trên tiêu chí “có đề án khoa học mới được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ” là không đơn giản.

ĐB Nguyễn Mạnh Trí phân tích để hoàn thành một đề tài chất lượng không phải đơn giản, có đề tài kéo dài nhiều năm mà không phải ai cũng có đủ điều kiện về thời gian, kinh phí để thực hiện. Dẫn chứng số người làm việc tại một đơn vị là 500 người, ĐB Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ, chỉ với 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi năm có đến 400 công trình, đề án khoa học. Thực tế này sẽ vô tình tạo phong trào người người làm đề tài mà không áp dụng được vào thực tiễn. Vì vậy, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị đây được xem là một tiêu chí khuyến khích, không nên xem là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ.

Tin cùng chuyên mục