8 nước ASEAN họp bàn phục hồi và phát triển đường sắt sau 2 năm dịch Covid-19

Sáng 23-8, tại TP Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42, với 170 đại biểu và quan sát viên tham dự.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu chính thức đến từ 8 nước ASEAN gồm: Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan.

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, hội nghị là cơ hội để ngành đường sắt các nước ASEAN và các đối tác liên quan chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối khu vực, thể hiện vai trò xương sống trong hệ thống giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia cũng như sự thịnh vượng chung của cộng đồng ASEAN theo đúng chủ đề “Phục hồi và phát triển”.

8 nước ASEAN họp bàn phục hồi và phát triển đường sắt sau 2 năm dịch Covid-19 ảnh 1 Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu khai mạc

Còn theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, nhưng ngành đường sắt Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyển container đi quốc tế. Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch mà còn là định hướng lâu dài của đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới.

8 nước ASEAN họp bàn phục hồi và phát triển đường sắt sau 2 năm dịch Covid-19 ảnh 2 Nghi thức khai mạc

Cũng theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện “Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030”. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TPHCM với Cần Thơ; kết nối quốc tế với Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Hội nghị tập trung vào thảo luận các vấn đề như kế hoạch phát triển mạng đường sắt, chiến lược phát triển đường sắt tại các quốc gia thành viên; chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành, quản lý hệ thống đường sắt, bài học từ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới, các chiến lược marketing và vận hành hiệu quả để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Tin cùng chuyên mục