8 người tử vong do chạy thận: Bất thường nguồn nước lọc thận

Nếu hệ thống nước bị nhiễm bẩn do vi khuẩn, tạp chất, hoặc xử lý thì bệnh nhân chạy thận có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm chết 8 người có nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn nước lọc thận
Vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm chết 8 người có nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn nước lọc thận

Chiều 8-6, Hội đồng chuyên môn y khoa gồm có đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình và nhiều chuyên gia đầu ngành đã kết thúc cuộc họp để thảo luận, làm rõ nguyên nhân vụ tai biến y khoa rất nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong. Dù Hội đồng chuyên môn chưa có kết luận chính thức nhưng qua cuộc họp đã hé lộ những nguyên nhân dẫn tới vụ tai biến nghiêm trọng này.

Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn do bà Bùi Thu Hằng (Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình) làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên trong hội đồng đã tiến hành xem xét, nghiên cứu tài liệu gồm: hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình cùa các cá nhân liên quan, các văn bản.

Qua đó, hội đồng chuyên môn kết luận, quy trình tiếp nhận, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp với quy trình. Khi phát hiện có bất thường trong quá trình chạy thận, bệnh viện đã áp dụng các biện pháp xử lý như: dừng lọc máu, cho thở ô xy, sử dụng các biện pháp cấp cứu hồi sức... là phù hợp với diễn biến và tình trạng cấp cứu của người bệnh.

Các bệnh nhân có diễn biến nguy kịch như: suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, trụy mạch đã được xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực là phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật. Khi xuất hiện một số lượng lớn bệnh nhân cấp cứu, khoa Thận nhân tạo đã báo cáo với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và xin hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên là phù hợp với Quy chế hội chẩn bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ rõ, đây là một thảm họa y khoa lớn. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình còn thiếu kinh nghiệm, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng này. Cả 18 bệnh nhân bị tai biến khi đang chạy thận đều có các biểu hiện tương đối giống nhau tại cùng thời điểm. Về chẩn đoán, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan như: hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu.

Cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ vụ tai biến chạy thận làm 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Đáng chú ý, liên quan tới nguyên nhân của thảm họa y khoa này, Hội đồng chuyên môn cho biết, thời điểm hiện tại chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên do chưa có kết quả khám nghiệm tử thi, cũng như kết quả phân tích nguồn nước RO nên hiện tại, hội đồng chưa đủ căn cứ, cơ sở để kết luận chắc chắn nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia trong hội đồng nghiêng về giả thiết có sự bất thường trong nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân. Đây cũng là nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia phân tích ngay sau khi sự cố xảy ra.

Cũng liên quan tới nguyên nhân dẫn tới vụ tai biến nghiêm trọng này, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho cho rằng, nghi ngờ có chứng cứ rõ nét nhất là tồn dư hóa chất (chất javen) súc rửa đường ống.

Còn TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo,  Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chất lượng nước được sử dụng cho chạy thận rất quan trọng, cần phải giám sát chặt chẽ. Loại nước này gần giống như nước cất với tỷ lệ vô trùng rất cao. Có tới 21 chỉ số lý hóa cần kiểm soát trong nước dùng cho chạy thận. Để tạo nước siêu tinh khiết cần qua nhiều công đoạn: Lọc thô và lọc tinh, qua cát, than hoạt, lọc mềm... Nếu hệ thống nước bị nhiễm bẩn do vi khuẩn, tạp chất, hoặc xử lý thì bệnh nhân chạy thận có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Về phía Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã có quy định về việc bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị y tế. Về nguyên tắc, trang thiết bị y tế trong bệnh viện đều được bảo dưỡng, kiểm chuẩn. Tùy theo mức độ và chủng loại thiết bị, giám đốc bệnh viện sẽ quyết định thực hiện quy trình này, có thể phối hợp với các đơn vị có chức năng thực hiện theo đúng quy định. Hiện có những bệnh viện thực hiện rất tốt nhưng có một số bệnh viện thực hiện chưa đạt yêu cầu.

"Bản thân tôi đã tìm hiểu kỹ, nghiên cứu, đánh giá và tham khảo các nhà khoa học, sau đó đã loại trừ một số nguyên nhân và cũng nghĩ nhiều đến nguyên nhân hệ thống nước lọc nước để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa đảm bảo. Để phục vụ công tác điều tra, ngay sau khi xảy ra sự cố tại Bệnh viện đa khoa đã Hòa Bình, tôi đã chỉ đạo tạm dừng ngay hoạt động của khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này để phục vụ điều tra”-  ông Khuê cho biết.

Trước đó sáng 8-6, Sở Y tế Hòa Bình đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng 2 cán bộ của bệnh viện này trong 2 tuần để phục vụ công tác điều tra vụ án vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác đã được Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vào ngày 30-5 ngay sau khi xảy ra vụ tai biến chạy thận một ngày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 18 bệnh nhân chạy thận bị sốc phản vệ, trong đó có 8 người tử vong.

Tin cùng chuyên mục