7 nhóm đối tượng được đề xuất xóa nợ thuế

Bộ Tài chính đang dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về xử lý tiền nợ thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. 

Theo đó, có 7 trường hợp được xử lý xóa nợ thuế gồm: người nộp thuế là người đã chết, hoặc bị tòa tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể hoặc đang làm thủ tục giải thể; đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh mà các cơ quan chức năng không tìm được; bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ; người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

Việc xóa nợ thuế cho các đối tượng này sẽ làm giảm nợ ảo tồn tại trong nhiều năm qua. Vì thực tế, việc nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chấm dứt sản xuất kinh doanh, không còn đối tượng để thu, nhưng vẫn hiện số nợ từ năm này qua năm khác, kéo theo tiền phạt, tiền chậm nộp tăng ảo. Tính đến cuối năm 2018, số nợ không có khả năng thu, tiền phạt, tiền chậm nộp ảo chiếm khoảng 50% tổng số tiền thuế nợ.

Tuy nhiên, nghị quyết này cũng quy định rõ điều khoản đối với trường hợp đã được xóa tiền phạt, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và thu nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Tin cùng chuyên mục