69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường

Ngày 4-4, Sở Công thương TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn.
Khách chọn mua thịt heo tại một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khách chọn mua thịt heo tại một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm nay có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao tham gia chương trình. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so năm 2021. Lượng hàng hóa đăng ký chương trình cũng tăng mạnh so năm 2021, như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.

Theo Sở Công thương thành phố, trong các tháng trong năm, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 33% nhu cầu thị trường. Tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường. Những tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

Ngoài lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so năm 2021; lượng hàng cung ứng chiếm 35% đến 50% nhu cầu thị trường. Các mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp. Trong đó, có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood). Mặt hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia chương trình với 19 nhóm thuốc, chủ yếu là các loại dược phẩm dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho-hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm…

Mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19 có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình với 2 nhóm hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế), nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách). Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức gồm cung ứng, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu… Doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…

69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ảnh 1 Hội nghị triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung-cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp… năm nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong các tình huống, kịch bản, nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối.

Cụ thể, giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch của UBND TPHCM; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân. Vận động hệ thống phân phối trên địa bàn chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay với doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng để giảm áp lực tăng giá bán. Về lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu tại thành phố và các tỉnh, thành.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản khu vực phía Nam. Đẩy mạnh kết nối, tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị... Doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử thành phố tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nằm trong chương trình bình ổn, tham dự hội nghị đều cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung và giữ ổn định giá như đã đăng ký. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, do tác động của dịch Covid-19, năng lượng tăng cao đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn các sở ngành, UBND TPHCM cần đồng hành, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thủ tục hành chính, vốn…

Tin cùng chuyên mục