60% nhân sự ngành bán lẻ chỉ làm việc 2 - 3 năm

Đây là một trong những nội dung chính của báo cáo nhân sự ngành bán lẻ, được khảo sát đối với nhà tuyển dụng, ứng viên và người tìm việc trong cơ sở dữ liệu của Navigos Group.

Báo cáo cho biết, những năm gần đây, ngành bán lẻ có sức hút rất lớn đối với ứng viên do tính chất công việc luôn đòi hỏi sáng tạo và năng động. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà nhà tuyển dụng ngành này phải đối mặt là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao. 

Chia sẻ về thách thức này, 28% nhà tuyển dụng cho rằng, ứng viên không cam kết làm việc lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc; 49% nhà tuyển dụng cho biết, các ứng viên ngành này hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. 

Thách thức này của nhà tuyển dụng cũng tương đồng với sự phản ánh từ phía ứng viên cho thấy, có 60% ứng viên tham gia khảo sát chia sẻ, thời gian làm việc trung bình tại một đơn vị của họ chỉ từ 2 - 3 năm.

Navigos Group cũng ghi nhận có khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trong mối quan tâm về văn hóa doanh nghiệp. Có đến 99% ứng viên ngành bán lẻ tham gia khảo sát cho biết, họ quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp thông qua môi trường làm việc - yếu tố con người - tầm nhìn của doanh nghiệp, tương ứng với 30% - 33% và 29%. 

Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, mặc dù có 51% nhà tuyển dụng coi sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi tuyển dụng nhưng cũng có tới 40% nhà tuyển dụng cho biết, việc ứng viên chưa phù hợp với văn hóa doanh nghiệp không phải là vấn đề lớn.

Theo quan sát của Navigos Group, sự dịch chuyển lao động trong khu vực, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các ứng viên nước ngoài. 50% nhà tuyển dụng nhận định, họ có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài. Về phía ứng viên, có 46% cho rằng, công việc của họ đang gặp phải sự cạnh tranh từ ứng viên nước ngoài. Chia sẻ về năng lực của ứng viên nước ngoài, 33% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng, ứng viên từ châu Âu giỏi nhất trong ngành bán lẻ; 26% đánh giá cao năng lực của ứng viên đến từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); 22% nghĩ rằng ứng viên thuộc khu vực Đông Nam Á là giỏi nhất trong ngành này.

Xu hướng số hóa trong hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ cũng ảnh hưởng đến mức độ chênh lệch trong việc trả lương cho ứng viên. Nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cho ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce) cao hơn ứng viên không có kinh nghiệm. Cụ thể: 37% trả lương cao hơn 10% - 20%; 5% trả lương cao hơn 21% - 30%. Tuy nhiên, do lĩnh vực thương mại điện tử còn khá mới với thị trường Việt Nam nên có đến gần một nửa ứng viên (48%) tham gia khảo sát không có kinh nghiệm trong mảng này, 46% có vài năm kinh nghiệm và chỉ 6% có nhiều năm kinh nghiệm về thương mại điện tử.

Trong buổi gặp gỡ khách hàng ngành bán lẻ tổ chức tại TP Hà Nội và TPHCM vừa qua, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của Navigos Search, thuộc Tập đoàn Navigos Group, cho rằng mỗi doanh nghiệp đều có nét văn hóa riêng; tuy nhiên, để xây dựng văn hóa hiệu quả nên xuất phát từ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Để giảm thiểu tỷ lệ chuyển việc, doanh nghiệp cần chú trọng 2 yếu tố: Phát triển đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và thường xuyên cung cấp những khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực. Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, những kênh được Navigos Group đánh giá rất hiệu quả trong việc tuyển dụng ngành bán lẻ là kênh tuyển dụng trực tuyến; chương trình giới thiệu ứng viên; tuyển dụng thông qua công ty tư vấn; áp dụng các chương trình nuôi dưỡng tài năng để gầy dựng, phát triển và tạo thêm nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục