60 nhà nhập khẩu giày dép Hoa Kỳ sắp giao thương trực tuyến với đối tác Việt Nam

Từ ngày 28 đến 30-5, 60 doanh nghiệp nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ sẽ kết nối giao thương với các nhà sản xuất giày dép ở Việt Nam để bàn kế hoạch làm ăn sau dịch Covid-19, thông qua hình thức trực tuyến (lần đầu tiên).

Chiều 13-5, văn phòng Bộ Công thương thông tin nhanh cho báo giới, hiện nay, giày dép đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam đạt tới 18,3 tỷ USD, tăng 12,8% và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%.

Theo số liệu mới thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1-2020, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường số 1 nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,56 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mặc dù xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng cao trong quý 1 năm nay, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý 2 và 3-2020 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại Hoa Kỳ trên đà suy giảm. Không chỉ giảm đơn hàng, nhiều đối tác còn đột ngột dừng đơn hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
 
Vì vậy, từ ngày 28 đến 30-5 tới, sẽ có 60 nhà nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ kết nối giao thương với các doanh nghiệp sản xuất giày dép Việt Nam, thông qua hình thức kết nối giao thương.  

“Đây là sự kiện giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực giày dép của Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ” - Bộ Công thương nhấn mạnh.

Tại hội nghị giao thương này, hai bên sẽ cập nhật tình hình thị trường giày dép Hoa Kỳ trong bối cảnh dịch Covid-19 và đánh giá triển vọng trong thời gian tới, cách thích ứng trong bối cảnh mới. 

Hội nghị cũng sẽ giới thiệu định hướng chính sách của Việt Nam nhằm phát triển ngành giày dép và thúc đẩy hoạt động giao thương trong lĩnh vực giày dép với thị trường Hoa Kỳ.

Thông qua hội nghị giao thương này, doanh nghiệp hai bên sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại, chuẩn bị sẵn lực lượng ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch Covid-19 kết thúc, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

Theo Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam đã chứng tỏ với quốc tế về sự thành công trong kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi nhiều chuyên gia nhận định, sau khi khống chế được dịch Covid-19, nhu cầu mặt hàng giày dép tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp giày dép cần thúc đẩy xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ.

Tin cùng chuyên mục