6 tháng cuối năm, nước ta có thể hứng chịu 12-13 cơn bão

Ngày 9-7, tại Hà Nội đã diễn ra 2 cuộc hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề làm cách nào để thông tin, cảnh báo tình hình mưa lũ một cách nhanh chóng, hữu hiệu đối với người dân ở vùng lũ ống, lũ quét cũng như giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.
6 tháng cuối năm, nước ta có thể hứng chịu 12-13 cơn bão
Cảnh báo thiên tai qua mạng xã hội

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gồm: 2 cơn bão; 2 áp thấp nhiệt đới, 88 trận dông, lốc sét; 7 trận lũ quét, sạt lở đất; 7 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại… Đáng chú ý là đợt rét từ ngày 28-1 đến 7-2 có nhiệt độ xuống rất thấp (dưới 30C); mưa đá, dông lốc trên diện rộng vào ngày 14 và 15-4. Đặc biệt là đợt lũ quét xảy ra ngay đầu mùa mưa bắt đầu từ ngày 23 đến 26-6 vừa qua tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngay sau đó lại xuất hiện đợt nắng nóng từ ngày 28-6 đến 8-7 với nhiệt độ cao nhất đã ghi nhận được là 41,6°C tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa và 40°C tại Sơn Tây, Hà Nội.

Tổng hợp từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; 509 nhà bị đổ, sập và 12.571 nhà bị hư hại, tốc mái và 1.964 nhà bị ngập nước; 14.394ha lúa; hoa màu bị đổ giập; 1.689ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 8.923 con gia súc và 17.109 con gia cầm bị chết... Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868,5 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, điều đáng lo ngại là hiện nay mới chỉ đầu mùa mưa nhưng tình hình mưa bão đang có dấu hiệu gia tăng và sẽ kéo dài trong nhiều tháng sắp tới. Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đang tích cực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, nhiệm vụ để chủ động ứng phó với mưa bão lũ, nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm cách nào để qua công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về sự nguy hiểm của mưa bão lũ, tăng cường năng lực cộng đồng, huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội đối với phòng chống thiên tai. Đặc biệt là việc đưa thông tin cảnh báo tới từng người dân nhanh hơn, có hiệu quả hơn. 

Thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã thay đổi cách thức triển khai ứng phó cũng như cảnh báo đối với các tình huống mưa bão lũ so với trước. Chẳng hạn như đa dạng các phương thức truyền thông về tình hình mưa lũ, sử dụng Facebook và mạng xã hội với gần 100.000 người theo dõi, trang tin điện tử với trên 3,3 triệu lượt truy cập; đưa các tài liệu video, tờ rơi, bản tin tới cộng đồng trên truyền hình, phát thanh, qua loa truyền thanh cơ sở. Mặt khác, phát động doanh nghiệp phát triển công nghệ, hỗ trợ Nhà nước và nhân dân phòng chống thiên tai, nhất là hỗ trợ đê di động bằng cao su, thiết bị cảnh báo mưa lũ tự động, thiết bị định vị tàu cá, nhà tránh bão lũ, thiết bị phòng chống tốc mái, loa cầm tay… Phòng chống thiên tai cũng trở thành một tiêu chí để công nhận nông thôn mới.  

Chủ động ứng phó     

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, trong 6 tháng cuối năm, nước ta có thể hứng chịu khoảng 12-13 cơn bão, trong đó có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nhiều đợt lũ lớn xuất hiện trong thời gian ngắn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra khó lường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm 2018, các thành viên của ban chỉ đạo và các địa phương cần tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết 76/NQ-CP, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai. 

Các giải pháp được nêu ra trong thời gian tới là lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực nguy cơ; yêu cầu các chủ hồ chứa tổ chức đo đạc quan trắc thông tin mưa lũ trên lưu vực; trang bị thiết bị thông tin cảnh báo thiên tai cho trưởng thôn, trưởng bản, người dân. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017 và các tháng đầu năm 2018; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là các tình huống thiên tai lớn trên cấp 3. Tổ chức diễn tập xả lũ hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Các bộ ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo thực hiện cảnh báo, hướng dẫn tới tận người dân triển khai các kỹ năng phòng chống thiên tai bằng những hình thức đa dạng, thiết thực, gần gũi với cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục