6 thách thức của nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn ưu đãi lãi suất để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay mới cho vay đạt 67,5% kế hoạch và nhiều doanh nghiệp vẫn đang đứng trước 6 khó khăn, rào cản lớn (trong đó có rào cản về vay vốn). 
Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chiều 17-12. Ảnh: VĂN PHÚC
Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chiều 17-12. Ảnh: VĂN PHÚC

Chiều 17-12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp, nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. 

Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, các khu nông nghiệp công nghệ cao còn lại do UBND tỉnh thành lập. Hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.

Cùng với đó, gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp tham gia với khoản đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng. “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo, góp phần đưa ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc” - ông Hà Văn Thắng chia sẻ. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mong các bên liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: VĂN PHÚC

Tuy nhiên hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đang “vấp” phải 6 rào cản lớn, gồm: 

Thứ nhất, rào cản về chính sách còn nhiều bất cập, ví dụ chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này.

“Kết quả điều tra của Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, có tới 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận tín dụng” - ông Hà Văn Thắng nói. 

Thứ hai, rào cản về vốn do nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị.

“Thực tế cho thấy, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chi phí gấp từ 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống; đầu tư một hec-ta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng; sử dụng thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá thành lên đến gần 10.000USD” - ông Hà Văn Thắng nêu thông tin. 

Thứ ba, rào cản về nhân lực do đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo dự báo, năm 2020, Việt Nam thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo.

Thứ tư, rào cản về đất đai nhỏ lẻ. Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông.

Thứ năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Thứ sáu, rào cản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp muốn được các cơ sở sản xuất trong nước cung cấp một phần thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm giá thành, song không được đáp ứng. Phần lớn các giống cây, con, các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp canh tác, các doanh nghiệp vẫn phải nhận chuyển giao từ nước ngoài. 

Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vay ưu đãi theo gói 100.000 tỷ đồng của Chính phủ ban hành từ năm 2017, theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, kết quả đến nay, doanh số cho vay lũy kế đã đạt hơn 67.500 tỷ đồng (đạt trên 67,5%); dư nợ khoảng 27.000 tỷ đồng vơi hơn 13.000 khách hàng còn dư nợ (chủ yếu là cho vay trung và dài hạn). 

Tuy nhiên ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Những quy định quá cứng của các tổ chức tín dụng đang làm khó các doanh nghiệp và không thể tiếp cận được gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng này”. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt hơn để các ngân hàng thương mại đánh giá tính hiệu quả của các dự án, nhất là tài sản trên đất.

Tin cùng chuyên mục