5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?

5G ở Việt Nam sẽ được các nhà mạng triển khai như thế nào? Tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hệ thống hạ tầng viễn thông nói riêng ở Việt Nam như thế nào?... Đó là những nội dung trọng tâm tại cuộc tọa đàm '5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?' do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức ngày 17-12, tại Hà Nội.

Tại đây, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Phong Nhã cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT-TT đã nhanh chóng xây dựng chiến lược về viễn thông, mục tiêu nâng cấp hạ tầng 4G, sớm thương mại hóa 5G.

Năm 2019, VNPT, Viettel, MobiFone đã có thử nghiệm về công nghệ và 2020 đã thử nghiệm cả về kỹ thuật và thương mại. Đây là cơ hội lớn để sản xuất các thiết bị, phát triển các phần mềm cho 5G, đồng thời xây dựng hệ sinh thái sử dụng 5G.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm, không chỉ có 5 mạng di động có thể triển khai 5G, mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam thấy đủ khả năng về kinh tế, kỹ thuật, tài chính đều có thể đăng ký tham gia đấu giá băng tần 5G.

5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam? ảnh 1 Ông Nguyễn Phong Nhã phát biểu tại cuộc tọa đảm. Ảnh: T.B.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, sau khi thử nghiệm thương mại xong, các nhà mạng phải có đánh giá kết quả thử nghiệm về tính năng kỹ thuật, khả năng thương mại, nhu cầu thị trường, khả năng kinh doanh trong tương lai... để cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan nhu cầu mới mà 5G mang lại.
Ví dụ, chất lượng dịch vụ không chỉ có quy chuẩn ban hành mà còn do khách hàng và nhà mạng cùng thỏa thuận, cần có hướng dẫn mới. “Việc triển khai 5G hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của thị trường. Có thể không triển khai ngay trên toàn quốc một lúc, mà sẽ triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng; những nơi có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ số người sử dụng lớn; hoặc ở ngay các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, hoàn toàn máy móc vận hành. Mục tiêu, kỳ vọng của Bộ TT-TT là triển khai sớm ngay trong 2021”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam? ảnh 2 Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: T.B.
Tại tọa đàm, ý kiến các chuyên gia đều khẳng định: 5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trọng điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, các nhà mạng phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên "chuyến tàu" 5G một cách mạnh mẽ.
Hiện cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G tại thành phố Hà Nội và TPHCM.
Đại diện các nhà mạng này cho biết, với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn.
Về vấn đề đổi SIM, về công nghệ, hiện việc phát triển 5G như đợt thử nghiệm thì hầu hết các nhà mạng phát triển trên cơ sở gần như không phải đổi SIM. Tuy nhiên, cần phải có thiết bị đầu cuối chuyên dụng cho 5G. Các hãng sản xuất điện thoại di động đã bắt đầu cung cấp các thiết bị này nhưng với số lượng còn hạn chế.
Các nhà mạng cũng cho biết, quá trình thử nghiệm 5G cho khách hàng trải nghiệm hiện nay đều miễn phí. Sau khi Bộ TT-TT cấp phép, sẽ có các gói cước 5G phù hợp, đa dạng, đáp ứng từng nhu cầu của khách hàng.
5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam? ảnh 3 Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các nhà mạng di động đang triển khai thử nghiệm 5G và các nhà cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam. Ảnh: T.B.
Trước đó, ngày 17-1-2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng. 
Về những tác động của 5G đến quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tích hợp hệ thống Cục Tin học (Bộ TT-TT) khẳng định, 5G là điều kiện cần, tiên quyết để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và hiệu quả tại Việt Nam.
5G chính là một bộ phận quan trọng của hạ tầng chuyển đổi số. Có hạ tầng tốt, thì mới có thể phát triển các ứng dụng, hệ sinh thái đầy đủ phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia thành công. Bộ TT-TT đã xác định hạ tầng số, bao gồm có 5G là yếu tố cơ bản để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.
5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam? ảnh 4 Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng phát biểu tại cuộc tọa đảm. Ảnh: T.B.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng, khi nói đến cơ hội của 5G cũng phải nói đến thách thức đi kèm.
Cơ hội cho Việt Nam trong triển khai 5G cũng có nhiều đối tượng: nhà cung cấp dịch vụ, nhà sản xuất thiết bị, nhà nước, người dùng. Phải hài hòa lợi ích các bên. Nếu chỉ nói đơn thuần về công nghệ, 5G quá tốt. Nhưng vì cự ly truyền sóng thấp, nhà mạng sẽ rất tốn kém nên khó hy vọng 5G triển khai rộng rãi ở nông thôn như 3G, 4G.
Cũng theo ông Lê Nam Thắng, nếu chúng ta triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp. Việc chọn thời điểm triển khai cũng là bài toán lớn của các bên liên quan.
Ông Lê Nam Thắng cũng cho rằng, việc triển khai 5G còn phụ thuộc số lượng người dùng, càng nhiều thì giá thiết bị càng phù hợp. Nếu người dùng ít, giá thành thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng cao. Với Việt Nam, giai đoạn này thử nghiệm công nghệ và thương mại thì phù hợp rồi. Nhưng chính thức thì phải “vừa ném đá vừa dò đường”.

Mạng di động 5G không chỉ có tốc độ internet nhanh hơn trên các thiết bị di động mà còn hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích cho đời sống hàng ngày.

Cho đến thời điểm này, 5G đang được ứng dụng nhiều trong thực tế ảo với trò chơi và ứng dụng tương tác khác của thực tế ảo (VR). Nhiều công ty công nghệ đã thử nghiệm 5G hỗ trợ điều khiển ô tô tự lái do độ trễ rất thấp. Nhờ có kết nối 5G, tất cả phương tiện lưu thông trên đường đều có thể “nói chuyện” với nhau có thể làm cho việc đi lại hiệu quả hơn và an toàn hơn.

5G còn được ứng dụng cho dịch vụ y tế từ xa, cho phép bác sĩ thực hiện nhiều ca phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa bằng việc điều khiển cánh tay robot với độ chính xác đến từng milimet, giúp phẫu thuật từ xa trở thành lựa chọn an toàn hơn.

Trong nhà máy thông minh, mạng 5G được dùng để kết nối không dây không cần cáp trong khi băng thông được tăng cường. Các loại máy móc và thiết bị có trang bị cảm biến sẽ được điều hành và giao tiếp nhau qua mạng 5G với độ trễ thấp cùng tính ổn định được đề cao.

Tin cùng chuyên mục