4 cấp độ phòng thủ dân sự ​ ​

Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân.

Chiều 26-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Dự án luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về PTDS. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực về PTDS, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

4 cấp độ phòng thủ dân sự ​ ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự, chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo luật gồm 7 chương, 71 điều, trong đó quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS là tổ chức phối hợp liên ngành về PTDS. Cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy PTDS ở cấp bộ ngành Trung ương và các cấp địa phương. Dự thảo luật giao “Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS; cơ quan chỉ huy PTDS cấp bộ ngành; cơ quan chỉ huy PTDS địa phương”.

Theo dự thảo luật, Quỹ PTDS được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường bảo đảm quỹ hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

4 cấp độ phòng thủ dân sự ​ ​ ảnh 2 Các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM tham dự phiên họp chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ 4 cấp độ PTDS, gồm: cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác; cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác; cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng; cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật PTDS nêu rõ, UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại tờ trình của Chính phủ.

4 cấp độ phòng thủ dân sự ​ ​ ảnh 3 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

UBQPAN đề nghị làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, làm căn cứ quy định các nội dung liên quan trong dự thảo luật.

Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ PTDS; hiện nay đã có Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phòng, chống dịch,… và mỗi loại quỹ đều có tính chất, cách thức sử dụng, nguồn hình thành, đối tượng chi khác nhau; có ý kiến đề nghị quy định Quỹ PTDS là bắt buộc và có cơ chế khuyến khích đóng góp cho nguồn quỹ này. Thẩm tra, UBQPAN cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này để thiết kế Quỹ PTDS theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ và giao Chính phủ quy định cụ thể…

Tin cùng chuyên mục