36 doanh nghiệp xăng dầu “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ

Chiều 7-10, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có “Đơn tập thể phản ảnh về tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua và kiến nghị giải pháp” gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 7-10, ghi nhận tình hình thực tế tại hệ thống các cây xăng của thương hiệu Comeco (thông báo hết xăng sáng 6-10, Báo SGGP đã đưa tin), ngay từ sáng sớm đã hoạt động trở lại. Dẫu vậy, đại diện Comeco cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đầu mối vẫn cung ứng nhỏ giọt nên các cửa hàng xăng dầu chưa thể hoạt động như ngày bình thường, có thời điểm vẫn thiếu cục bộ.

“Hiện các cửa hàng xăng dầu trong nội thành TPHCM chỉ được cung ứng 1/4 đến 1/2 sản lượng so với ngày thường. Trong khi đó, xe bồn chở hàng được phép lưu thông vào nội thành để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng từ 22 giờ đêm nên sẽ có trường hợp trong ngày thiếu hụt ở một vài cửa hàng”, đại diện Phòng Kinh doanh Comeco cho hay.

Đối với trường hợp Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Cần Giờ, (chiều 5-10, có thông báo gửi Sở Công thương TPHCM và Cục Quản lý thị trường dự kiến ngưng bán hàng do thiếu nguồn cung) hiện vẫn hoạt động bình thường, nhờ có sự chia sẻ từ các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Tuy nhiên, với nguồn cung bấp bênh như hiện nay, tình hình xăng dầu sắp tới sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy tiếp tục xảy ra.

36 doanh nghiệp xăng dầu “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ ảnh 1 TIếp tục xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng đóng cửa với lý do để sửa chữa 

Liên quan đến việc bất cập trong điều hành xăng dầu, chiều 7-10, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có “Đơn tập thể phản ảnh về tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu thời gian qua và kiến nghị giải pháp” gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, người đứng ra làm đơn kiến nghị cho tập thể doanh nghiệp là ông Giang Chấn Tây, TS. Kinh tế - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc. Các doanh nghiệp nêu trong đơn kiến nghị: Việc điều hành của Liên bộ Công thương-Tài chính thời gian qua có vấn đề nên gây ra bất lợi đến doanh nghiệp dẫn đến bất ổn thị trường.

Bởi theo Nghị định 95: “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”. Nhưng Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng. Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

“Thiết nghĩ, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, không phải làm theo tư duy luôn kìm hãm giá theo kiểu muốn người dân xài hàng giá thấp hơn giá thị trường là không phù hợp với tình hình hiện nay. Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng; giá thị trường 50.000 đồng thì muốn đè xuống còn 49.000 đồng và lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng việc bất ổn sẽ còn kéo dài. Bởi vì, từ quan điểm đó dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra. Nếu tiếp tục điều hành đi trái lại với quy luật giá trị, cung cầu thì sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn”, nội dung văn bản phân tích.

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu cơ quan quản lý tính đúng, tính đủ và để doanh nghiệp có lãi đủ để duy trì hoạt động thì không bao giờ có tình trạng đứt nguồn cung như thời gian qua. Vì vậy, nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị, khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.

Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định. Bên cạnh đó, việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn, người dân và toàn bộ doanh nghiệp cũng theo dõi được rõ ràng hơn.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.

Tin cùng chuyên mục